Những trăn trở trong việc tổ chức và quản lý lễ hội vẫn kéo dài từ mùa lễ hội này sang mùa lễ hội khác. Là một chuyên gia thực địa có nhiều công trình nghiên cứu uy tín về văn hóa, TS Trần Hữu Sơn- Phó Chủ tịch Thường trực hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (VNDG) đã chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết xung quanh vấn đề này.
TS Trần Hữu Sơn.
PV:Thưa ông, mới vào mùa khai hội nhưng những hiện tượng tiêu cực trong các lễ hội lại trở thành tâm điểm của dư luận. Xem ra vấn nạn này vẫn kéo dài từ mùa lễ hội này sang mùa khác?
Ông Trần Hữu Sơn: Đúng là hiện nay đang có nhiều tệ nạn trong mùa lễ hội như cướp giật, hiện tượng tranh cướp nhau hay kể cả là đốt vàng mã… vẫn diễn ra ở các lễ hội, mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng.
Tôi nhận định nhân dân bây giờ đi lễ hầu hết theo xu thế thị trường là chủ yếu, họ đi cầu những gì có lợi cho mình, cầu cho mình là chính chứ không nhiều người hiểu rõ được bản chất thực sự của lễ hội đó là gì cả.
Về mặt cơ quan quản lý cũng chưa thống nhất được quy định, cũng có những giải pháp cụ thể nhưng lại chưa mang tính hiệu quả cao. Hầu hết, những giải pháp đang tồn tại đều không kèm theo những chế tài cụ thể, cấm thế nào thì không có, phạt thế nào cũng chưa cụ thể mà chỉ nói chung chung nên dễ xảy ra các vấn đề nêu trên.
Một số chuyên gia văn hóa cho rằng, không nên dùng từ “giáo dục cộng đồng” trong việc cải thiện môi trường của lễ hội hiện nay. Quan điểm của ông ra sao?
- Theo tôi, giáo dục cộng đồng cũng được, nhưng chúng ta phải cụ thể hóa, giáo dục mà nói chung chung là không được. Xã hội càng phát triển, kéo theo vai trò của quần chúng nhân dân càng lớn.
Trong mùa lễ hội, nếu như chúng ta nắm bắt tốt được vai trò quần chúng nhân dân, hiểu được tầm quan trọng đó thì chúng ta sẽ quản lý được tốt vai trò phân cấp trong việc thực hiện công tác quản lý của lễ hội tốt hơn nhiều cái khác.
Có những nơi còn tồn tại một vài thủ tục lạc hậu, ban đầu họ chưa muốn bỏ đi, tuy nhiên sau một thời gian tuyên truyền vận động nhân dân cũng nghe theo đấy thôi. Ở đây tôi nhấn mạnh vai trò của quần chúng quyết định, chứ cũng không nên áp đặt từ trên xuống.
Những tiêu cực tại lễ hội thiếu các chế tài có tính răn đe (Ảnh: Ngọc Thành).
Lại có ý kiến cho rằng không nên hành chính hóa lễ hội. Vậy, để lễ hội đi vào nề nếp, theo ông vai trò của công tác quản lý nhà nước về lễ hội hiện nay nên hiểu như thế nào?
- Trong công tác quản lý, yêu cầu cực kì quan trọng đối với cơ quan quản lý là phải dự báo được tình hình để đưa ra những định hướng và giải pháp cụ thể. Hiện giờ công tác dự báo của chúng ta chưa mạnh.
Thêm nữa, cùng với giải pháp thì chúng ta cũng cần phải có chế tài cụ thể. Thực tế đã cho thấy, hiện chúng ta vẫn còn lúng túng trong vấn đề xây dựng chế tài. Hơn nữa, phải đặc biệt coi trọng vai trò của dư luận xã hội, vì dư luận tác động trực tiếp tới các phương tiện thông tin đại chúng.
Ông kỳ vọng gì vào việc ban hành một bộ khung về quy tắc ứng xử trong lễ hội mà các chuyên gia văn hóa và đại diện cơ quan quản lý văn hóa các địa phương đã đề cập trong thời gian gần đây?
- Tôi nghĩ các quy tắc ứng xử đều mang tính định hướng, tôi chưa rõ chế tài về chuyện này như thế nào. Vì quy tắc ứng xử mà chỉ nêu chung chung, không có tính định hướng thì đâu vẫn đóng đấy thôi.
Từng có nhiều chuyên gia văn hóa cho rằng hãy để cộng đồng quyết định việc tổ chức lễ hội. Ông có ý kiến gì khác không?
- Tôi nghĩ đúng một phần, tất nhiên là phải trao quyền cho cộng đồng để thực hiện những điều đó. Lễ hội hiện nay không phải chỉ diễn ra trong một cộng đồng mà là liên cộng đồng, không gian lễ hội mở rất rộng và thời gian lễ hội cũng kéo dài.
Tất cả những vấn đề phức tạp như vậy đòi hòi chúng ta cần phải có một cơ quan quản lý nhà nước đứng ra để tổ chức thực hiện và kiểm tra giám sát.
Ví dụ, một lễ hội có tới hàng vạn người tham gia mà không có vai trò nhà nước đứng ra tổ chức và chịu trách nhiệm thì an toàn thực phẩm ai chịu? Hiện tượng chèn ép khách ai chịu? Làm sao có thể để cộng đồng tự xử lý được. Cho nên việc trao quyền cho cộng đồng là trao quyền gì? Còn quyền gì phải dành cho Nhà nước, phải có vai trò của ban tổ chức.
Vì vậy cần phân rõ đâu là việc của cộng đồng, đâu là việc của cơ quan quản lý nhà nước. Và phải làm rõ thế nào là vai trò cộng đồng, không thể khoán trắng cho cộng đồng được.
Vậy để lễ hội đi vào nề nếp mà vẫn giữ được những giá trị truyền thống, theo ông, nên bắt đầu từ đâu? Và giải pháp cho việc này là gì?
- Trước hết, cần phải nghiên cứu là ở lễ hội đó diễn ra như thế nào, ý nghĩa gì và ta cần phải định hướng cho phát triển lễ hội, dự báo được tình hình. Trong dự báo cần nghiên cứu để đưa ra các giải pháp và tiến hành giám sát việc thực thi giải pháp ra sao…
Theo tôi, để lễ hội đi vào nề nếp chúng ta cần có những giải pháp như sau: Thứ nhất là các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa phải xây dựng được những văn bản mang tính quản lý nhà nước, nhất là các thông tư, thậm chí là nghị định, quy chế về vấn đề này, nêu cụ thể từng vấn đề. Ví dụ đốt vàng mã, “chặt chém”, cướp giật… thì phải xử lý chế tài ra sao?
Thứ hai là cần phải tuyên truyền mạnh vấn đề này cho cộng đồng,và nên tuyên truyền bằng tiếng nói của các nhà khoa học. Thứ ba là cần sớm có bộ quy tắc ứng xử cụ thể trong lễ hội, giám sát việc thực hiện bộ quy tắc đó và phải có biện pháp xử lý kịp thời.
Bên cạnh việc xử lý còn có thể tuyên truyền cho nhân dân ngay tại chỗ sẽ hiệu quả hơn, như thế lần sau những hiện tượng phản cảm trong mùa lễ hội mới không còn chỗ để xuất hiện nữa.
Trân trọng cảm ơn ông!