Trong số này, những thắc mắc về sự ra đời của các vật dụng như chiếc ô, kim khâu hay sự ra đời của ngành dệt tiếp tục được GS Nguyễn Lân Dũng giải đáp.
Ô dùng để che nắng, che mưa và là vật dụng rất phổ biến hiện nay. Ô có thể được chia thành hai loại: ô hoàn toàn đóng mở, trong đó các que kim loại hỗ trợ việc xòe ra hay cụp lại của ô. Và ô không đóng mở được, có cột đỡ, thường cắm xuống một ống chôn dưới đất hay trên một bệ sắt, là ô che nắng ở quán ăn, quán giải khát vỉa hè, hay trên bãi biển.
Dấu hiệu còn lưu lại về chiếc ô có thể gập lại được sử dụng đầu tiên là từ năm 21 trước Công nguyên. Đó là chiếc ô của hoàng đế Trung Quốc Wang Mang (năm 9 đến năm 23) được lắp trên một chiếc xe kéo 4 bánh. Chiếc ô này có thể dương lên hay cụp lại nhờ khớp nối.
Một chứng cứ cho biết về chiếc ô mà vợ của một người thợ mộc tên là Lỗ Ban sống ở thời Xuân Thu chiến quốc (770 - 476 trước Công nguyên). Một chiếc ô che trên một cỗ xe tứ mã được ghi lại từ thời Tần Thủy Hoàng (259 - 210 trước Công nguyên). Loại ô có cán bằng đồng được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ ở Lạc Dương có niên đại thuộc thế kỷ thứ 6.
Nhiều chiếc ô được sử dụng trong các nghi lễ ở triều đình Trung Hoa được ghi lại trong sách Chu Lễ, cách đây khoảng 2.400 năm. Nhiều chiếc ô được thiết kế phục vụ cho các chuyến đi săn của hoàng đế.
Cuốn sách bói toán thời Tống có in hình ảnh chiếc ô đóng mở được (năm 1270) gần giống như thời nay. Các sáng chế về ô ở Trung Quốc về sau được lan sang Nhật Bản và Hàn Quốc. Thông qua Con đường tơ lụa các chiếc ô phương Đông sau đó được chuyển đến Ba Tư và phương Tây.
Ô dưới hình dáng che nắng ở Ai Cập cổ đại và Babylon là thứ đại diện cho sức mạnh và uy quyền. Ở vùng Viễn Đông, trong thời đó những chiếc ô chỉ có thể được sử dụng bởi hoàng gia và những người có chức vụ cao trong xã hội. Có vẻ như người La Mã cổ đại là những người đầu tiên sử dụng ô ở châu Âu để tránh các cơn mưa. Trong thời Trung Cổ, chiếc ô hầu như biến mất và chỉ xuất hiện lại ở Ý vào cuối thế kỷ 16. Đến năm 1680, ô đã được dùng để tránh mưa ở hầu hết các nước châu Âu.
Ở Việt Nam chưa rõ chiếc ô được dùng từ bao giờ. Với nhân vật Lý Toét ra tỉnh, báo Phong Hóa in hình Lý Toét đội khăn xếp, mặc áo the đen và cắp ô, đăng liên tục trên các số báo ra từ năm 1933. Có thể nói trong thời Pháp thuộc dân ta đã dùng ô một cách phổ biến. Đó thường là loại ô đen cán dài cong đầu và không thể thu ngắn lại được. Còn bây giờ thì hầu như nhà nào cũng luôn có sẵn nhiều chiếc ô đủ các màu sắc và dài ngắn khác nhau.
Kim khâu là một dụng cụ không thể thiếu không chỉ đối với người thợ may mà còn với mọi người, từ trẻ đến già. Đây là một cái kim làm bằng kim loại, một đầu nhọn, một đầu tù có lỗ để xâu chỉ hay len. Kim thường được gài trên một miếng vải dày hay da. Có rất nhiều loại kim khâu dài ngắn, to nhỏ khác nhau tùy thuộc vào mục đích sử dụng.
Có loại có thể xâu nhiều sợi chỉ màu cùng một lúc, có loại rất dày dùng để khâu giày da, túi da, có loại thẳng, có loại cong, có loại chuyên dùng cho máy khâu...
Người tiền sử dụng kim khâu đầu tiên, từ khoảng 30.000 năm trước Công nguyên. Họ đã dùng bàn tay khéo léo của mình để làm nên những chiếc lao phóng, lao móc, lưỡi câu và cả kim khâu nữa. Những kim khâu đúng nghĩa được làm từ khoảng 17.000 năm trước Công nguyên. Đó là thời kỳ băng giá, con người cần làm ra những quần áo để chống rét. Khi đó kim khâu được làm bằng xương hay ngà của động vật. Một đầu được đục thành một lỗ nhỏ để xâu các sợi lông đuôi ngựa hay sợi gân của con tuần lộc. Vì quần áo làm bằng da động vật khá dày nên trước khi đưa kim qua người ta phải đục lỗ bằng một chiếc mũi đột bằng dá hay một chiếc dùi làm bằng xương động vật. Dần dần mới xuất hiện các sợi gai lấy từ thiên nhiên hay tự gây trồng.
Đã có những di vật kim xương tìm thấy trong động Sibudu (Nam Phi) với niên đại cách đây khoảng 61.000 năm. Một chiếc kim khác làm bằng xương chim đã được tìm thấy trong động Denisova với niên đại cách đây khoảng 50.000 năm. Những kim xương khác được tìm thấy trong hang Potok ở phía đông Karavanke (Slovenia) cách đây khoảng 41.000 - 47.000 năm. Các kim làm bằng xương thú và ngà voi được tìm thấy ở di chỉ khảo cổ Tiểu Cô Sơn thuộc tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc), có niên đại cách đây khoảng 23.000 - 30.000 năm. Kim khâu bằng đồng được Flinders Petrie tìm thấy ở Naqada có niên đại khoảng năm từ 3.000 - 4.400 năm trước Công nguyên.
Thổ dân Hoa Kỳ luồn qua kim bằng các sợi chỉ làm từ lá lô hội, còn kim chính là ngọn lá lô hội đã phơi khô, về sau thay kim bằng xương của hươu. Từ thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên người ta biết làm kim bằng sợi dây đồng. Sau đó kim khâu được làm bằng thép tại Trung Quốc từ thế kỷ thứ 10. Công nghệ này về sau lan sang Anh và Pháp. Nước Anh bắt đầu sản xuất kim khâu từ năm 1639 tại Redditch.
Năm 1790, nhà phát minh người Anh Thomas Saint đã thiết kế ra chiếc máy may đầu tiên để may da và vải bạt (may yên ngựa, cánh buồm...). Năm 1874, William Newton Wilson đã cải tiến máy may của Saint và chiếc máy may này hiện đươc lưu giữ tại Bảo tàng Khoa học London.
Máy may hiện đại đầu tiên được làm ra bởi nhà phát minh Anh John Fisher vào năm 1844, sớm hơn ít năm so với máy may nổi tiếng của Isaac Merritt Singer năm 1851. Ngày nay rất nhiều máy may vẫn mang thương hiệu Singer.
Dệt là một phương pháp sản xuất ra các mặt hàng dệt may. Để dệt cần có các sợi dọc và các sợi ngang được tuần tự đưa vào. Vải được đưa vào các khung cửi và được dệt bằng tay trước khi sáng tạo ra máy dệt. Có thể dệt một cách đơn thuần và cũng có thể dệt thành các hình được thiết kế mang tính mỹ thuật.
Có một số dấu hiệu cho thấy việc dệt đã được biết đến trong kỷ nguyên Đồ đá cũ cách đây 27.000 năm. Các hàng dệt may lâu đời nhất làm từ sợi thực vật được tìm thấy trong hang Guitarreo (thuộc Peru) với niên đại khoảng 9.080 - 10.100 trước Công nguyên.
Sản phẩm dệt thuộc thời kỳ Đồ đá mới được phát hiện vào năm 2013 tại Çatalhöyük (thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) có niên đại khoảng 7.000 năm trước Công nguyên. Đó là vải dệt từ sợi của cây gai dầu. Thợ dệt thời xưa chủ yếu là dân nô lệ. Thổ dân Mỹ dệt vải từ sợi bông và dệt len từ lông của lạc đà từ khoảng năm 4.000 trước Công nguyên.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học George Washington đã tìm ra một loại vải màu xanh chàm 6.200 tuổi từ Huaca, Peru, đây là một trong những loại vải cotton lâu đời nhất được biết đến trên thế giới và là loại vải được dùng để trang trí có màu xanh chàm. Phát hiện này đã đánh dấu màu chàm được sử dụng sớm nhất trong ngành dệt nhuộm, khi đó màu trong sản xuất đang là thách thức về mặt kỹ thuật.
Theo Jeffrey Splitstoser (thuộc Đại học George Washington) phát hiện này đã nói lên công nghệ dệt tinh xảo của người Andean cổ đại phát triển cách đây 6.200 năm. Sản phẩm dệt Andean được dùng không chỉ may mặc mà còn là hàng hóa thay tiền tệ, là cống phẩm và là chỉ tiêu để đánh giá các đẳng cấp trong xã hội.
Các loại đồ dệt lâu đời nhất ở Bắc Mỹ tìm được từ Khu Khảo cổ Windover ở Florida và có niên đại khoảng 4.900 - 6.500 năm trước Công nguyên. Chúng được làm ra từ sợi thực vật.
Việc dệt tơ tằm được biết đến ở Trung Quốc từ năm 3.500 trước Công nguyên. Tơ lụa được dệt và nhuộm một cách tinh vi thể hiện một nghề thủ công đã phát triển, là vật được tìm thấy trong một ngôi mộ của Trung Quốc có niên đại 2.700 trước Công nguyên.
Nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền lan sang Hàn Quốc vào khoảng năm 200 Công nguyên, và lan sang Nhật vào khoảng năm 300 trước Công nguyên. Tới năm 700 Công nguyên đã xuất hiện các khung cửi ngang và dọc tại nhiều nơi thuộc châu Á, châu Phi và châu Âu.
Vào thế kỷ 12, nghề dệt đến Tây Ban Nha, nơi khung cửi được cải tiến lên rất nhiều. Các khung cửi sợi ngang bắt đầu thịnh hành ở châu Âu trong thế kỷ thứ 10 và 11. Đến thế kỷ 13, một sự thay đổi lớn đã diễn ra, thương nhân mua sợi và cung cấp cho thợ dệt. Sang thế kỷ 14 những người dệt bắt đầu làm việc trong nhà riêng của họ. Vào năm 1892, hầu hết bông được dệt trong các xưởng dệt và sử dụng động cơ hơi nước. Sự phát triển của ngành công nghiệp dệt được đánh dấu bằng các sáng tạo của Edmund Cartwright (1784), John Cartwight (1788).
Tuy nhiên, thành công của ngành dệt may còn nhờ những sáng tạo của H. Horrocks và nhiều người khác. Đến năm 1805 bắt đầu điện khí hóa ngành dệt may. Khi đó tại Anh đã có 250.000 công nhân dệt. Sản xuất hàng dệt may trở thành một trong những ngành dẫn đầu trong Cách mạng công nghiệp Anh. Máy dệt đã trở thành bán tự động vào năm 1842. Thuốc nhuộm thiên nhiên được thay thế bằng thuốc nhuộm tổng hợp vào nửa sau của thế kỷ 19.
Nghề dệt tại Việt Nam bắt đầu bằng việc nuôi tằm dệt vải. Nghề nuôi tằm bắt đầu từ thế kỷ thứ 10 và phát triển lên từ giữa thế kỷ 11. Theo thống kê, hiện nay Việt Nam còn có gần 2.000 làng nghề thuộc các nhóm nghề chính, trong đó, nghề tằm tơ, dệt lụa luôn đóng vai trò quan trọng trong các ngành tiểu thủ công nghiệp truyền thống và xuất khẩu ra thế giới.