Theo phản ánh của người dân sinh sống trên địa bàn phường Thụy Phương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thì việc tu bổ di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm là cần thiết nhưng phải hết sức thận trọng không thể đào xới, lật tung ngổn ngang như những gì đang diễn ra...
Di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo
Theo hồ sơ tư liệu của Cục Di sản văn hóa, đình Chèm (còn gọi là đình Thụy Phương) thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Đình thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng (Lý Thân hay Đức Thánh Chèm), một nhân vật huyền thoại thời An Dương Vương. Đình Chèm hiện nay được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng và đã trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, nhưng đặc biệt nhất có lẽ là vào năm Bính Thìn 1916, đình được kiệu lên cao thêm 2,4m.
Với những giá trị đặc biệt, đình Chèm đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2028/QĐ-TTg ngày 25/12/2017).
Nhà văn Nguyễn Hiếu người gốc làng Chèm năm nay đã ngoài 70 tuổi hết sức quan tâm đến những biến đổi của đình Chèm. Ông là người đã có những gắn bó đặc biệt với ngôi đình. Có mặt tại đình ông cho biết, theo các cụ cao niên trong làng kể lại thì đình Chèm nằm sát cạnh sông Hồng. Năm 1902 đình được kiệu lên cao thêm 2,4m chỉ bằng các dụng cụ của nhà nông như đinh bừa, quang gánh cùng sức lực của dân làng ôm cột nâng lên. Công việc diễn ra trong vòng một năm trời.
“Tuổi thơ tôi gắn bó với đình Chèm. Ngày còn nhỏ, tôi cùng các bạn thường xuyên mang sách vở cùng bạn bè ra đây học tập, đùa nghịch. Cho đến nay tôi đã viết 3 cuốn tiểu thuyết riêng về đình Chèm này. Tôi đã từng được đi nhiều nơi, nhưng có lẽ đình Chèm trong ký ức tôi là đẹp nhất, cổ nhất Việt Nam”- nhà văn Nguyễn Hiếu chia sẻ.
Tu sửa phải thận trọng, chính xác
Những ngày gần đây dư luận đang xôn xao trước hình ảnh đào xới, nền đá bị tháo dỡ ngổn ngang cùng với việc chặt hạ cây đa nhiều năm tuổi phía trước Đình Chèm. Không ít người bày tỏ sự tiếc nuối và bức xúc. Có ý kiến cho rằng cách tu sửa đang diễn ra tại đây không khác nào hành vi phá hoại, có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến giá trị đặc biệt của ngôi đình.
Theo ghi nhận thực tế, ngay cổng đình, một gốc đa lâu năm đã bị chặt hạ. Nhiều bậc nền đá cũ đã bị tháo dỡ nằm chỏng trơ. Phía ngoài đình, mặt hướng ra sông Hồng đang bị đào xới lật tung. Nhiều cấu kiện sau khi tháo dỡ chỉ được che chắn sơ sài trong quá trình thi công. Chỉ sau khi có sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì đơn vị thi công mới tiến hành sử dụng các biện pháp bảo vệ tạm thời đối với những vị trí chân cột. Phía trong đình, nhiều hạng mục đang được tiến hành tu sửa.
Chứng kiến cách tu bổ của đơn vị thi công đang diễn ra tại đình Chèm, nhà văn Nguyễn Hiếu bày tỏ: “Trùng tu di tích lịch sử không thể đào bới ngổn ngang, lật tung như thế này, cần phải gỡ từng đoạn một, làm từng chi tiết một cách thận trọng”.
Cũng theo ông Hiếu, cây đa có khả năng nghiêng về phía đình là chính xác nhưng việc chặt bỏ sẽ có người bức xúc bởi hàng chục năm đã gắn liền với hình ảnh trong ca dao “cây đa, bến nước, sân đình”. Theo ông Hiếu, trước khi cưa chặt bỏ nên hỏi ý kiến người dân để họ biết rằng có việc sửa đổi như vậy.
Được biết, các hạng mục chỉnh trang, tu sửa, bao gồm: Chỉnh trang lại toàn bộ hệ thống tường rào, cây xanh xung quanh đình, hạ cốt sân trước và sân sau đình để đảm bảo trả lại nguyên vẹn đình Chèm trước kia, vốn có 5 bậc, chỉnh sửa phần ngói.
Ngay sau khi nắm được thông tin phản ánh đang diễn ra tại di tích đình Chèm, Cục Di sản đã đề nghị Sở Văn hoá và Thể thao TP Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra thực tế di tích, đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
Trước những gì đang diễn ra tại Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt đình Chèm, dư luận đã không khỏi băn khoăn và đặt sự hoài nghi về năng lực của đơn vị thi công. Bởi chỉ khi có mặt của cơ quan chức năng kiểm tra thì những biện pháp bảo vệ các hạng mục khác của đình mới được triển khai như việc che chắn trụ cột để không bị tác động trong quá trình thi công. Vậy nếu không có phản ánh của dư luận trong những ngày qua, liệu có buổi kiểm tra của cơ quan chức năng tại đình Chèm trong buổi chiều ngày 25/3 hay không? Và biện pháp bảo vệ những hạng mục còn lại có được thực hiện?
Phải chăng UBND quận Bắc Từ Liêm đã phó mặc số phận của một Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt cho đơn vị thi công đang bị đặt dấu hỏi về năng lực? Cùng với đó là biểu hiện thiếu sát sao của cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đối với những dự án tu bổ di tích trên địa bàn. Bởi thực tế ngay tại thủ đô, nhiều năm qua đã không ít di tích bị xâm hại nghiêm trọng với danh nghĩa tu bổ. Đến khi phát hiện, xử lý thì giá trị di tích đã phần nào bị biến đổi. Thiết nghĩ đừng để khi sự đã rồi mới ráo riết kiểm tra, khi đó chẳng khác nào “mất bò mới lo làm chuồng”.