Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Từ bỏ giấc mơ đại học

Xuân Thủy 07/03/2024 07:58

Tôi đã rất ngạc nhiên khi đứa cháu gái, học sinh giỏi liên tục trong 12 năm học phổ thông, nhiều lần thi học sinh giỏi cấp tỉnh, không đăng ký xét tuyển đại học mà tìm đường xuất khẩu lao động.

Nguyễn Thị Linh, 17 tuổi ở Đào Xá, Thanh Thủy, Phú Thọ cho hay cháu dự định sang Đức theo diện “vừa học vừa làm”. Linh tính “ở Đức vừa có thu nhập tốt, vừa có nhiều cơ hội học nghề”. Cháu nói vừa làm nghề chăm sóc người già, vừa học thêm nghề spa để sau này về quê lập nghiệp.

Nghe tính toán “đâu ra đấy” của đứa cháu, sự ngạc nhiên của tôi dần biến mất và phải thừa nhận cháu có lý của nó.

Học đại học giờ đây không phải là lựa chọn hàng đầu của thanh niên mới tốt nghiệp THPT. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm 2023, cả nước có hơn 360.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học, chiếm gần 1/3 tổng số đã đăng ký.

Linh không phải là người đầu tiên trong gia đình nghĩ đến việc ra nước ngoài làm việc sau khi kết thúc thời kỳ THPT. Nam, anh trai Linh, bỏ ngang đại học năm thứ nhất để sang Nhật làm tu nghiệp sinh. Công việc của Nam là nhân viên một xưởng dịch vụ sửa chữa ô tô ở Osaka, thành phố cảng miền tây Nhật Bản. Sang đó vừa hoàn thiện nghề ô tô, vừa có tiền lương cao hơn hẳn, vừa không phải đóng học phí học đại học.

Theo Nam, cháu quyết định bỏ học đại học vì nhận thấy sinh viên ra trường những năm gần đây, tỉ lệ thất nghiệp, không xin được việc làm luôn năm sau cao hơn năm trước. Nhiều người buộc phải “giấu” đi tấm bằng cử nhân để xin vào làm công nhân ở các khu công nghiệp hoặc kiếm sống bằng nhiều nghề.

Trong khi đó, học phí ở các trường đại học ngày càng cao nên nhiều gia đình nông thôn không kham nổi, đó là chưa kể bao nhiêu chi phí khác. Làn sóng “tự chủ đại học” đang tạo ra khả năng học phí ở nhiều trường đại học còn tăng tiếp.

Không chỉ Phú Thọ, hiện tượng bỏ đại học đi xuất khẩu lao động xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác như Hà Tĩnh, Quảng Bình, TP HCM, các tỉnh ĐBSCL…

Một chuyên gia tâm lý-giáo dục cho rằng, giới trẻ hiện nay sống trong nền kinh tế thị trường, khoảng cách bất bình đẳng về thu nhập ngày càng lớn nên họ luôn có động lực về kinh tế, quan tâm lớn đến tài chính từ khi còn nhỏ. Người trẻ thực dụng hơn, muốn kiếm tiền sớm hơn. Hình tượng về một con người thành đạt và giỏi giang luôn là hình ảnh giàu sang. Chính vì vậy, họ nhìn thấy cơ hội kiếm tiền từ việc xuất khẩu lao động khả thi hơn so với việc học đại học. Điều này đặc biệt có sức hút với những người trẻ đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn về tài chính nếu tiếp tục theo đuổi học đại học.

Chính vì nhìn thấy sự nghèo nàn ở vùng quê mình, những khó khăn nhiều người phải đối mặt sau khi tốt nghiệp, cầm tấm bằng cử nhân cất tủ mà Linh, cháu tôi, đã quyết định từ bỏ con đường vào đại học để rẽ sang một lối đi, theo cháu là “thực tế hơn”, sớm nhìn thấy kết quả hơn.

Vào đại học là ước mơ của nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT, nhưng chỉ lấy ĐH làm con đường duy nhất để vào đời chưa chắc là điều hay. Một số người nói tư duy đại học là con đường duy nhất khiến cung cầu lao động mất cân đối, đất nước thừa thầy thiếu thợ, nền kinh tế thiếu lao động kỹ thuật, lao động tay nghề cao.

Tuy nhiên, xét trên bình diện quốc gia, hiện tượng “từ bỏ giấc mơ đại học” cũng rất đáng suy nghĩ.

Một báo cáo năm 2022 của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho hay tỷ lệ nhập học đại học, cao đẳng của học sinh Việt Nam năm 2019 là 28,6%, thuộc nhóm thấp trong khối ASEAN, và chỉ bằng một nửa so với bình quân 55,1% của các quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Năm 2020, chỉ 7,3% học sinh từ các gia đình thu nhập thấp được tiếp cận giáo dục đại học. Trong khi đó, con số này từ các gia đình thu nhập cao là 49,8%.

Thế giới ngày càng đi vào chuyên môn hóa, kinh tế tri thức có vai trò quyết định. Trí tuệ nhân tạo, máy móc đã và đang thay thế rất nhiều thứ trước đây do con người thực hiện. Thừa thầy thiếu thợ không tốt, nhưng thừa thợ thiếu thầy, có lẽ còn tệ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ bỏ giấc mơ đại học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO