Tự chủ đại học nhìn từ học phí - Bài 2: Trách nhiệm xã hội của trường đại học

Thu Hương 04/08/2021 08:00

Bên cạnh chính sách tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) đã được triển khai 14 năm qua, để con đường tới giảng đường của sinh viên (SV) nghèo không bị cản bước, cần thêm những hỗ trợ thiết thực từ phía các trường đại học (ĐH).

Các trường đại học cần nêu cao trách nhiệm xã hội.

Đề xuất nâng mức tín dụng HSSV

Nhìn lại lộ trình tăng mức tín dụng cho thấy cánh cửa học tập của HSSV nghèo vẫn rộng mở. Nếu như năm 2007, mức vốn cho vay tối đa là 800.000 đồng/tháng/HSSV có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian theo học tại trường thì từ ngày 1/12/2019, mức cho vay đã nâng lên tối đa 2,5 triệu đồng/tháng/người. Người vay được trả nợ sau khi tốt nghiệp theo từng tháng và không dựa vào mức thu nhập người vay. Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ căn cứ vào mức thu học phí, sinh hoạt phí và nhu cầu người vay để quyết định mức cho vay cụ thể.

Mới nhất, Bộ Tài chính vừa đề xuất nâng mức cho HSSV vay tối đa lên 4 triệu đồng/tháng. Theo đánh giá của Bộ GDĐT, trong điều kiện mức học phí hiện nay (theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP), mức cho vay hiện hành (2,5 triệu đồng/tháng/HSSV) mới chỉ đáp ứng 49% học phí của nhóm ngành có học phí cao nhất và 38,5% nhu cầu chi phí học tập cho HSSV (học phí và chi phí sinh hoạt). Mức chi phí học tập của một HSSV khoảng 6,5 triệu đồng/tháng đến 9,5 triệu đồng/tháng (tính với mức học phí cao nhất).

Mức cho vay hiện hành 2,5 triệu đồng/tháng khó đảm bảo theo học của HSSV là thực tế ai cũng thấy. Vì vậy, đề xuất này nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân và các chuyên gia giáo dục. Đồng thời cũng phù hợp với lộ trình tăng học phí của các trường ĐH trong thời gian tới.

Với riêng SV sư phạm, ngoài miễn phí học phí 100%, SV được hỗ trợ sinh hoạt phí khoảng 3,63 triệu đồng/tháng theo Nghị định 116. Đây là tin vui nhưng cũng đầy băn khoăn với SV nghèo bởi quy định sau khi ra trường, SV sư phạm không làm trong ngành giáo dục phải bồi hoàn chi phí hỗ trợ học tập và sinh hoạt. Song thực tế việc thi vào biên chế giáo viên hiện nay không hề dễ dàng nên nhiều gia đình lo khoản bồi hoàn cũng sẽ trở thành gánh nặng khó trả, khiến các em đắn đo…

Một thống kê đáng chú ý là tỷ lệ HSSV có nhu cầu vay vốn từ 10%-15% số lượng nhập trường hàng năm. Nhưng thực tế, con số này có thể lớn hơn. Theo một nghiên cứu của bà Nguyễn Mai Hương- Văn phòng các Chương trình Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ và các cộng sự, một tỷ lệ không nhỏ SV có hoàn cảnh khó khăn, là đối tượng cần được tiếp cận chính sách nhưng chưa được vay vốn. Cần thiết mở rộng đối tượng vay vốn trong chính sách tín dụng SV để cải thiện tính hiệu lực của chính sách là đề xuất của nhóm tác giả.

Như vậy, bên cạnh việc nâng mức cho vay tối đa đối với HSSV, các chuyên gia cũng đề xuất cần linh hoạt hơn nữa về đối tượng cho vay. Cụ thể, là chính quyền địa phương, trường học… tạo điều kiện xác nhận nhanh chóng, chính xác về hoàn cảnh gia đình để HSSV có nhu cầu vay vốn sớm được tiếp cận nguồn vốn vay khi cần thiết.

Đa dạng hóa nguồn thu ngoài học phí

Thời gian tới khi các trường đều được tự chủ toàn diện, học phí chắc chắn tăng, sẽ có gia đình, dù vay tín dụng vẫn không thể đủ tiền cho con em đi học. Vì vậy, các trường ĐH rất cần thể hiện trách nhiệm xã hội.

Thực tế hiện nay nguồn thu từ học phí và lệ phí chiếm khoảng 70% tổng nguồn thu của các trường. Mặc dù hiểu là cần phải đa dạng hoá các nguồn thu song không phải trường nào cũng ngay lập tức làm được.

Trước đó, tại một hội thảo bàn về tự chủ ĐH, đại diện trường ĐH Tài chính- Marketing cho biết, ngoài nguồn thu đến từ học phí và lệ phí phụ thuộc vào kết quả tuyển sinh hàng năm (có năm tuyển đạt chỉ tiêu, có năm không đạt) thì khoản thu từ hoạt động dịch vụ cũng rất hạn chế. “Khi phải tự chủ cả chi đầu tư, kinh phí hoạt động còn lại sẽ càng khó khăn hơn nữa”, đại diện nhà trường bày tỏ.

Theo GS.TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, nhà trường có thể huy động tài chính từ nhiều nguồn, chứ không nên “đẩy gánh nặng” sang SV bằng cách tăng học phí lên quá cao.

“Nhà trường kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bằng việc đào tạo theo đơn đặt hàng của họ. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng của Nhà nước… Để thu hút kinh phí từ nhiều nguồn, bắt buộc các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo”, GS. TS Dong nêu quan điểm.

Chia sẻ quan điểm này, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, sẽ rất khó đột phá nếu các trường chỉ dựa vào việc tăng học phí và “sống chủ yếu nhờ học phí”. Để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa trường đạt đẳng cấp quốc tế, các trường cần phải tìm kiếm các nguồn tai chính khác nhau như hợp tác doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ, xin đầu tư từ Chính phủ... Bên cạnh đó, các trường cần có thêm những chính sách miễn giảm học phí cho SV có hoàn cảnh khó khăn, tăng học bổng cấp cho SV nỗ lực trong học tập, để không ai phải bỏ học vì tăng học phí.

Danh sách 15 trường ĐH thu phí cao nhất Việt năm 2021, theo thống kê của TS Lê Trường Tùng- Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Trường ĐH FPT cho thấy mức học phí cao nhất thuộc về trường ĐH VinUni, 406 triệu đồng/học kỳ; tiếp đến là Trường ĐH FullBright Việt với mức học phí 234 triệu đồng/học kỳ. Đáng chú ý, trong top này có đại diện của 5 cơ sở giáo dục ĐH công lập, trong đó co 3 trường ĐH đẳng cấp quốc tế là Trường ĐH Việt Nhật, ĐH Việt Pháp và ĐH Việt Đức, 2 trường công lập khác là trường ĐH Y dược TPHCM, trường ĐH quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM. So với năm 2020, danh sách năm nay có thêm các trường phần lớn đều liên quan đến đào tạo ngành y như ĐH Y dược TPHCM hay như trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, trường ĐH Tân Tạo cũng đều tuyển sinh đào tạo ngành y...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ đại học nhìn từ học phí - Bài 2: Trách nhiệm xã hội của trường đại học