“Từ điển thành ngữ - tục ngữ Việt Hán” của Nguyễn Văn Khang (NXB Văn hoá Sài Gòn 2008) được nhiều sinh viên, học sinh mua tra cứu. Thế nhưng, cuốn từ điển này có quá nhiều sai sót. Trong khuôn khổ ba số báo, người viết xin chỉ ra một số sai sót cơ bản.
Sai sót thứ nhất là thu thập và đối chiếu nhiều đơn vị thành ngữ, tục ngữ Việt và Hán không đồng nghĩa, thậm chí trái nghĩa. Về nguyên tắc của từ điển đối chiếu thành ngữ tục ngữ, thì cách ví von so sánh trong hai ngôn ngữ có thể khác nhau, nhưng nghĩa phải tương đương, hoặc ít nhất phải có một nghĩa tương đương. Tuy nhiên, rất nhiều cặp thành ngữ, tục ngữ trong từ điển đối chiếu theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt”.
Ví dụ: “Ăn mật trả gừng”, Nguyễn Văn Khang cho là đồng nghĩa với “ân tương cừu báo = lấy oán trả ân) và “ăn miếng chả, trả miếng bùi”. Tuy nhiên, “ăn mật trả gừng” không tương ứng, thậm chí trái nghĩa với “ăn miếng chả, trả miếng bùi”. Vì “ăn mật trả gừng” chỉ kẻ ăn ở bội bạc: ăn thứ ngọt ngào, trả thứ đắng cay (dị bản: ăn quả vả, trả quả sung; ăn sung trả ngái); trong khi “ăn miếng chả, trả miếng bùi” lại có nghĩa “ân trả nghĩa đền”: đền đáp cân xứng cho người đã đối xử tốt với mình (dị bản ăn mận trả đào; ăn miếng ngọt, trả miếng bùi).
Nguyễn Văn Khang cho rằng “ba cọc ba đồng” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “tiểu bản bạc lợi” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, trong tiếng Việt “ba cọc ba đồng” được hiểu: ngoài khoản thu nhập ít ỏi nhất định, không có bổng lộc hay nguồn thu nào khác; trong khi tiếng Hán “tiểu bản bạc lợi” (vốn nhỏ thì lãi ít), ý nói muốn buôn bán lớn phải có vốn lớn.
Nguyễn Văn Khang cho rằng “chưa đẻ đã đặt tên” tiếng Việt đồng nghĩa với “vị bốc tiên tri” tiếng Hán. Tuy nhiên, “chưa đẻ đã đặt tên” trong tiếng Việt hàm ý chê sự hấp tấp, vội vàng, không biết sắp xếp công việc theo trình tự hợp lí, trong khi “vị bốc tiên tri” (chưa bói đã biết) tiếng Hán lại hàm ý khen tài “tiên tri” của ai đó.
Nguyễn Văn Khang cho rằng “dạy khỉ leo cây” tiếng Việt, đồng nghĩa với “thành nhân chi ác” tiếng Hán. Tuy nhiên, “dạy khỉ leo cây” tiếng Việt nghĩa ví như việc làm thừa, đi bày cho người khác làm một việc mà họ đã quá quen thuộc, quá thành thạo. Đồng nghĩa với “dạy đĩ vén váy”. Trong khi “thành nhân chi ác” trong tiếng Hán, lại ám chỉ kẻ tiểu nhân giúp người khác làm điều ác.
Nguyễn Văn Khang cho rằng “vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy” tiếng Việt đồng nghĩa “tụ thủ bàng quan” trong tiếng Hán. Tuy nhiên, “vén tay áo xô, đốt nhà táng giấy” tiếng Việt ý nói việc tiêu xài, phá phách tiền của do người khác làm ra (thường hiểu là tiền tài của cha mẹ không chút tiếc nuối (đồng nghĩa “phá gia chi tử”); trong khi “tụ thủ bàng quan” nghĩa là khoanh tay đứng nhìn, bàng quan, thờ ơ trước mất mát, tai hoạ của người khác. Nếu đồng nghĩa sang tiếng Việt phải là “Cháy nhà hàng phố bình chân như vại”, “Hững hờ như hàng tổng đánh kẻ cướp”.
Nguyễn Văn Khang cho rằng “để lâu cứt trâu hoá bùn” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “dạ trường mộng đa” tiếng Hán. Tuy nhiên, “cứt trâu để lâu hoá bùn” nói tiền của, vật dụng hoặc vấn đề nào đó, nếu để lâu không đòi, không nhắc đến sẽ có nguy cơ bị quên lãng, hoặc lợi dụng đó mà xí xoá. Còn “dạ trường mộng đa” lại tương ứng với “đêm dài lắm mộng” của tiếng Việt: sự việc gì không thương lượng dứt điểm, để đối tác có thêm thời gian, sẽ thay đổi ý định hoặc nảy ra mưu kế mới, gây bất lợi.
(Còn tiếp)