Ngày 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến về dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Vấn đề tử hình với người từ 75 tuổi trở lên
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, về vấn đề không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên, ĐBQH có hai loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất, tán thành phương án quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử, đồng thời không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Loại ý kiến thứ hai, đề nghị vẫn áp dụng hình phạt tử hình nếu đối tượng này phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc cầm đầu tổ chức, băng nhóm tội phạm nguy hiểm về an ninh quốc gia, tội phạm ma túy.
Theo ông Hiện, quy định không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên thể hiện tính nhân đạo, chính sách khoan hồng của Nhà nước ta. Tuy nhiên, vấn đề này còn ý kiến khác nhau, do đó UBTV Quốc hội dự kiến 2 phương án xin ý kiến ĐBQH.
Cụ thể, phương án 1 quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên. Còn phương án 2 không quy định vấn đề này.
Qua thảo luận, nhiều ĐB bày tỏ quan điểm đồng tình với việc quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử, đồng thời không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý bày tỏ quan điểm đồng tình với vấn đề này, bởi “luật pháp chúng ta đang tìm các quy định để giảm hình phạt tử hình. 75 tuổi sống cùng lắm đến 120 tuổi nên hình phạt chung thân là hợp lý".
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cũng cho biết, qua lấy ý kiến nhân dân, đa số đồng tình với quy định trên. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha cũng bày tỏ quan điểm không áp dụng hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
2 luồng ý kiến về giảm án
Về vấn đề này ĐBQH cũng còn có ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với phương án quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân. Còn loại ý kiến thứ hai, vẫn quy định cho xét giảm án nhưng với điều kiện khắt khe hơn. Kết quả lấy kiến nhân dân cũng có hai loại ý kiến như trên.
Do còn có ý kiến khác nhau UBTV Quốc hội dự kiến 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH. Phương án 1 quy định điều kiện để xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân chặt chẽ hơn so với người bị kết án tù chung thân khác. Còn phương án 2, quy định không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống thành tù chung thân.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha, cần được giảm án vì nếu không phạm nhân không còn động cơ để cải tạo phục thiện nữa. Chúng ta đừng khắt khe quá, nếu không không đảm bảo tính nhân đạo của luật pháp.
Về vấn đề chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Pha cho rằng, cố gắng giảm bớt hình phạt tù đối với tội phạm chưa thành niên càng nhiều càng tốt, để các em có điều kiện làm lại cuộc đời.