Từ “Nam quốc sơn hà” nghĩ về văn học dịch

Nguyễn Thúy Hạnh 14/11/2015 07:18

Đã từ lâu văn học dịch là một mảng không thể thiếu trong việc phát triển văn học Việt Nam. Một tác phẩm văn học dịch chỉ hay khi tác giả dịch đúng. Có nghĩa là phải chuẩn xác từng câu chữ, lời văn và thần thái của tác phẩm so với bản gốc. Do đó, dịch một tác phẩm văn học không những chỉ là dịch ý, dịch tứ mà còn là dịch… thần thái, hồn cốt của từng tác phẩm. Nếu chỉ có ngoại ngữ thôi cũng chưa đủ để làm nên một tác phẩm dịch hay vì ngoài ngoại ngữ ra còn đòi hỏi rất nhiều ở kỹ năng dịch. 

Thông thường, dịch một tác phẩm cổ điển khác dịch một tác phẩm văn học hiện đại. Đặc biệt là các tác phẩm dịch được đưa vào sách giáo khoa sử dụng trong nhà trường càng đòi hỏi nghiêm ngặt khâu này. Tiêu chí để các tác phẩm văn học dịch được dùng trong nhà trường không chỉ đúng với tác phẩm nguyên bản mà văn phong còn phải có vần có điệu để giáo viên dễ truyền tải, học sinh thì dễ đọc, dễ học và dễ thuộc.

Điều này được khẳng định rất rõ khi đưa bản dịch “Nam quốc sơn hà” của tác giả Lê Thước - Nam Trân vào sách giáo khoa lớp 7 tập 1 đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong những ngày gần đây.

Phải thừa nhận rằng bản dịch của tác giả Lê Thước - Nam Trân không sai về nội dung, nhưng khó đọc, khó học và khó thuộc so với bản dịch “Nam quốc sơn hà” mà chúng ta đã từng học trước đây. Một phần là do bản dịch trước đây đã đi vào tiềm thức của chúng ta qua rất nhiều thế hệ. Không những thế các câu thơ của bản dịch đó có vần điệu hơn nên dễ học và dễ nhớ hơn.

Để thực tế cuộc sống dễ dàng chấp nhận một cái mới hay một sự thay đổi mới là điều không đơn giản. Nhất là khi đó là tác phẩm văn học nổi tiếng bất hủ đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người và được coi là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên” của dân tộc.

Xét về bối cảnh giáo dục của nước ta hiện nay, khi cả nước vẫn chỉ có một bộ sách giáo khoa duy nhất mà chưa có nhiều bộ sách giáo khoa để cho giáo viên và học sinh có quyền lựa chọn bộ sách nào tốt nhất cho mình. Trong khi đó, cảm thụ các tác phẩm văn học còn phụ thuộc vào khả năng và sự tư duy của mỗi người. Nên việc tranh cãi xung quanh việc cảm thụ các tác phẩm văn học là điều không thể tránh khỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ “Nam quốc sơn hà” nghĩ về văn học dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO