Trong nhiều năm qua nghệ thuật và không gian đô thị có sự liên kết chặt chẽ, tương hỗ với nhau trong sự phát triển. Ở đó, thông qua các phẩm nghệ thuật không chỉ phản ánh cái đẹp mà còn phơi bày những mặt trái của không gian đô thị.
Triển lãm “Ống thở”. Ảnh: Quang Tấn.
Nhằm có cái nhìn toàn cảnh về không gian đô thị trong thời đại phát triển, mới đây 16 nghệ sĩ là những gương mặt sáng tạo và đã cùng tham gia các dự án nghệ thuật công cộng như Phùng Hưng, Phúc Tân... đã hội tụ trong một triển lãm có cái tên vô cùng đặc biệt “Ống thở”. Để thực hiện được triển lãm lần này, trước đó các nghệ sĩ đã phải tìm hiểu lịch sử, nghiên cứu địa thế, khám phá những nét độc đáo của ngôi nhà ống VUUV tại 342 Bà Triệu. Đây một ngôi nhà ống sâu trên thửa đất hết sức phổ biến đã được các nghệ sĩ cải tạo trong gần một tháng với hơn 20 tác phẩm, tạo nên không gian nghệ thuật đương đại hấp dẫn.
Bằng những cách khách nhau, các tác phẩm nghệ thuật đều có khả năng tương tác cao với không gian nhà ống mát mẻ giữa tiết trời oi bức ngày hè. Đơn cử như 5 bức phù điêu “Nhà mặt phố” của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đã lột tả rõ nét thực trạng cuộc sống ở phố cổ Hà Nội, khai thác thế mạnh của ngôn ngữ tạo hình để khắc họa thực trạng những căn nhà ống ở đô thị Hà Nội, khiến người xem triển lãm thực sự cảm thấy ngộp thở. Tác giả đã xếp lên bức tường hình ảnh của 5 ngôi nhà ống đặc trưng trong phố cổ Hà Nội.
Những ngôi nhà phải oằn mình dưới những tấm biển quảng cáo khổng lồ, phản cảm, luộm thuộm và nhếch nhác. Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, bộ mặt đô thị hiện nay ở Hà Nội trái ngược hoàn toàn với câu chuyện kiến trúc trước năm 1954. Thời kỳ đó, kiến trúc của từng ngôi nhà được chăm chút như chính dấu ấn văn hóa của gia chủ.
Bên cạnh đó, những tác phẩm tại triển lãm cũng phản ánh các góc khuất của đời sống thành thị. Đó là tác phẩm “Nhà tối” của Lê Đăng Ninh gửi thông điệp mong muốn môi trường, cảnh quan sống của người dân được quan tâm hơn qua hình ảnh những xóm “nhà nổi”, “xóm nước đen”...
Có thể nói, với cách làm rất đặc biệt trong một không gian hẹp, triển lãm “Ông thở” đang tạo ra sức hút tới rất nhiều bạn trẻ và cả những du khách nước ngoài. Cuộc gặp gỡ bất ngờ và ngẫu hứng giữa kiến trúc nhà ống và nghệ thuật đương đại đã giúp người xem có thêm những nguồn cảm hứng mới tích cực, cảm hứng về nghệ thuật ngay chính giữa không gian sống đời thường.
Thực tế, trong những năm qua, nghệ thuật đang góp phần thay đổi diện mạo của không gian đô thị. Bằng những sáng tác của các nghệ sĩ đã có rất nhiều không gian, hình ảnh đô thị thay đổi trở nên gần gũi với người dân. Như những bức tường bích hoạ ở phố Phùng Hưng, “bốt điện nở hoa”, vẽ lên nắp cống ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Những sáng tác nghệ thuật đang ngày ngày len lỏi vào những con đường, ngõ hẻm nhỏ làm đẹp thêm cho không gian đô thị.
Thậm chí nghệ thuật còn tìm đến tô điểm cho những địa điểm là góc khuất, như dự án nghệ thuật tại bãi rác Phúc Tân. Tuy nhiên không hẳn các dự án đều nhận được sự đồng thuận, cho phép của chính quyền địa phương bởi những “rào cản” trong việc quản lý.
Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, nhiều dự án nghệ thuật cộng đồng nhằm thay đổi không gian đô thị khi triển khai thực hiện đang gặp phải nhiều vướng mắc bởi khâu kiểm duyệt kiểu “áp đặt” của nhà quản lý.Đơn cử như trường hợp phố bích họa Phùng Hưng trước đó, được người dân và du khách hưởng ứng, mang lại nhiều cái lợi cho du lịch Thủ đô thì cứ “loay hoay” với tờ giấy phép…
Sự e dè này kéo theo việc hạn chế các không gian nghệ thuật công cộng, khiến người dân không có nhiều cơ hội để thưởng thức tác phẩm nghệ thuật công cộng. Đơn cử như sự việc của chuỗi tác phẩm “Tháp” bày quanh hồ Hoàn Kiếm thời gian qua bị ứng xử tệ là thực tế buồn của một quy trình “rắc rối” này.