Tự nguyện, tự giác

TRẦN HỮU THĂNG 21/08/2023 07:58

Trong các kỹ năng bắt buộc để học làm người trưởng thành, tự nguyện tự giác là số 1, hàng đầu và khó khăn nhất.

Cùng trèo lên một lối đi có đến hàng trăm bậc thang, ai cũng mệt mỏi, ngại ngần, chỉ có người nào tự nguyện, tự giác trèo lên mới thấy thoải mái, nhẹ nhàng và dễ dàng phục hồi lại sức khỏe.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Tự giác là làm việc gì tự mình hiểu mà làm không cần nhắc nhở, đốc thúc. Thí dụ: Tự giác học tập. Tự giác ghép mình vào kỷ luật”. “Tự nguyện là tự mình làm, không phải do bị thúc ép, bắt buộc. Thí dụ: Tự nguyện nhường cho bạn việc làm dễ”.

Lúc mới chào đời và trong tuổi ấu thơ kỹ năng tự nguyện, tự giác chưa có. Từ khi bắt đầu đi học mẫu giáo bé, rồi mẫu giáo lớn được các cô giáo dạy bảo dần dần. Một số chuyên gia đi chọn nhân tài trong tương lai đã viết hồi ký như sau: “Sau mấy năm học mẫu giáo bé, các em lên mẫu giáo lớn lúc đã 3 - 4 tuổi, tự đi lại được, tự xúc cơm ăn được, tự mặc quần áo được nên các cô giáo dạy bảo tỉ mỉ hơn. Trong 10 em các cô chọn ra được 1 - 2 em có thể tự xúc cơm ăn gọn gàng, tự ngồi xuống để mặc quần nên không bị ngã như các bạn khác, tự động đắp chăn khi ngủ...

Đó là những em được chọn là có ý thức tự nguyện, tự giác đã hình thành trong trí khôn của các em. Cứ thế, các em lớn dần lên và ý thức tự nguyện, tự giác sẽ lớn theo cùng các em qua các lớp học ở cấp 1, rồi cấp 2”.

Tranh mang tính trang trí.

Triết gia kiêm bậc thầy về ngụ ngôn người Pháp, ông La Fontaine (1621 - 1695) đã khẳng định: “Tự giác là việc đầu tiên trong các việc phải dạy cho con người”. Vì sao như thế? Vì chỉ khi nào có ý thức tự giác, tự nguyện con người mới toàn tâm, toàn ý tập trung tư tưởng cao độ, không suy nghĩ lan man đến những điều vô bổ, chẳng liên quan gì đến mình.

Hiện nay, với sự phát triển và tiến bộ của truyền thông mạng, của trí tuệ nhân tạo nên các thông tin không được chọn lọc, đã ồ ạt, nhanh chóng được hàng triệu người cập nhật. Nguy hại hơn là rất nhiều thông tin không đúng sự thật, thông tin lừa đảo gây nên các tệ nạn xã hội. Còn cái hại nữa là nhiều thông tin nhiễu loạn, gây mất thời gian tranh cãi, thảo luận những việc chẳng liên quan gì đến bản thân từng người truy cập.

Chỉ có những người thông minh mới biết ưu tiên chọn lọc, biết tự nguyện, tự giác theo đuổi một mục đích duy nhất, đúng đắn mà mình đã chọn và quyết tâm hoàn thành bằng được. Như thế, hiểu rộng và sâu thêm ý “tự giác” mà La Fontaine đã dạy chính là tự giác xa rời, lìa bỏ, không quan tâm đến những vấn đề “giời ơi, đất hỡi” không liên quan gì đến mình.

Có những nhận xét như sau:

1.Tạo các thói quen tốt, dương tính, có lợi cho bản thân bằng xây dựng bản lĩnh, xây dựng ý thức tự nguyện, tự giác;

2.Tránh xa những thông tin không được chọn lọc, không có lợi gì cho mình bằng cách xây dựng bản lĩnh, xây dựng ý thức tự nguyện, tự giác chỉ tiếp thu những cái hay, cái đúng, cái hợp lý, loại bỏ những điều vô bổ, vô ích.

Những nhận xét nêu trên chính là cơ chế hình thành nên nhân cách con người, hình thành nên bản lĩnh tự nguyện tự giác mà nếu ai biết theo đuổi suốt đời sẽ nhanh chóng tiến bộ, nhanh chóng trưởng thành. Thành ra, càng lớn lên con người phải cố gắng tạo thói quen “tự hiểu mình”. Có tự hiểu mình đúng, hiểu mình cả cái tốt lẫn cái xấu thì ta mới có những việc làm tiếp theo, có những suy nghĩ tiếp theo để tự sửa mình, tự tu thân, tự học hỏi để mà tiến bộ dần.

Bậc thầy Diogène (năm 413 đến năm 323 trước Công nguyên) là một triết gia cổ đại có sức ảnh hưởng lớn đến triết học cổ điển của nhân loại từng bày tỏ: “Ta đã từng hỏi các bậc cao minh là đối với con người cái gì là khó nhất? Các vị đều trả lời: Tự hiểu mình là khó nhất”.

“Tự hiểu mình” chính là chiếc chìa khóa vạn năng cho cả cuộc đời mỗi con người chúng ta. Ai tự hiểu mình rõ thì tự nguyện, tự giác rõ. Ai không tự hiểu mình thì khó mà toàn tâm toàn ý để tự nguyện, tự giác được.

Triết gia vĩ đại, Publilius Syrus (thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) đã dạy rằng: “Người khôn tự sửa mình khi thấy lỗi của kẻ khác”. Đây chính là cơ chế thứ hai của sự hình thành kỹ năng tự nguyện, tự giác. Ông bà ta có câu: “Hàng xóm dạy con, con mình được hưởng lợi” chính là nói về cơ chế tận dụng những bài học xung quanh ta để tu thân dưỡng tính.

Sách vở từ cổ chí kim đều dạy rằng: “Con người ta có được sự thay đổi tốt đẹp, hướng tới cái đẹp, cái thiện, cái cao quý chính là nhờ bởi hai con đường: Con đường thứ nhất là nhờ những cuốn sách mà ta đã đọc. Con đường thứ hai là nhờ những người ta đã gặp trên bước đường đời”. Nay ta nên nói thêm rằng: Cũng chính nhờ vào hai con đường tốt đẹp này mà ta mới xây dựng được cái tư duy tốt đẹp là tự nguyện, tự giác.

Tăng Tử (từ năm 505 đến năm 437 trước Công nguyên) là nhà triết học vĩ đại phương Đông đã nói: “Thập mục sở thị, thập thủ sở chỉ, kỳ nghiêm hồ” (tạm dịch: Phải coi như có 10 con mắt nhìn vào ta, 10 bàn tay chỉ vào ta, thật đáng sợ thay). Nếu chúng ta, dù ở lứa tuổi nào, khi ta có trí khôn để bước vào đời, lúc nào cũng tâm niệm có nhiều người đang theo dõi ta, đang sẵn sàng phê phán ta thì lúc nào cũng phải tự nguyện, tự giác để sửa mình, để tu thân, để bổ sung kiến thức thì chắc chắn sẽ tránh được tai họa và có cơ hội phát triển bền vững.

Khi tham khảo những nội dung cơ bản để xây dựng kỹ năng tư duy tự nguyện, tự giác, nhiều nhà sư phạm, nhà tâm lý học đã sử dụng những kiến thức của Đông phương cổ học. Vì sao thế? Rất dễ hiểu, vì có một thời gian dài, gần như ở nửa đầu thế kỷ XX nhiều học giả đã đưa ra nhận xét: “Đông là Đông, Tây là Tây, Đông Tây không bao giờ gặp gỡ”.

Thế rồi dần dần, khoa học kỹ thuật tiến bộ, nhờ giao lưu thương mại, nhờ có máy bay và các phương tiện vận chuyển nối liền các châu lục với nhau nên Đông và Tây ngày càng gần gụi hơn. Với sự hợp tác đưa người sang các nước để học tập, lao động nên Đông và Tây càng xích lại gần nhau hơn trước rất nhiều.

Với sự hiểu biết lẫn nhau giữa Đông và Tây nên đã có một thực tế hấp dẫn các trí thức phương Tây là các mảng màu đặc sắc của văn hóa, của âm nhạc và đặc biệt là triết học phương Đông. Triết học phương Đông dịu dàng, ấm áp, đi vào lòng người dù ở một tầng lớp xã hội nào. Vì nó giản dị, khiêm tốn, dễ hiểu lại luôn tự nhận lỗi về mình, tự nhận mình còn kém cỏi cần phải học hỏi liên tục nên dễ thu phục được lòng người.

Có một câu hát rất hay về sự tự nguyện, tự giác của con người: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai?”.

Chỉ có những người biết yêu thương, biết sẻ chia và biết giúp đỡ người khác mới dám nhận việc khó về mình, mới dám tự nguyện tự giác giành lấy phần gian khổ đó về mình. Như thế, tự nguyện, tự giác dần dần đã trở thành một sức mạnh nội tại to lớn, một bản lĩnh làm người chiến thắng mọi ích kỷ, tham lam, vụ lợi, chỉ biết đến quyền lợi của mình. Sự tự nguyện, tự giác còn vượt xa “hội chứng đám đông”, nghĩa là suy nghĩ và hành động dựa vào ý kiến của người khác, thấy ai làm gì cũng bắt chước, ít suy tư, ít động não nên thường có những kết quả thảm hại và mất hết cơ hội, mất thời gian và công sức đã bỏ ra.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng, ai cũng thích xem và nghe mục “Gương người tốt việc tốt”. Đó là những con người bình thường, giản dị nhưng tự nguyện, tự giác tham gia vào các đội tình nguyện trong đại dịch Covid-19, những đội tuần tra ban đêm tự nguyện giúp đỡ những người gặp khó khăn, những đội giúp đỡ người cơ nhỡ và những cửa hàng 0 đồng giúp đỡ những người nghèo, những trường hợp mẹ góa, con côi...

Nhờ có ánh sáng kỳ diệu của sự tự nguyện, tự giác mà những con người lương thiện kể trên đã tỏa sáng năng lượng và tình thương giúp cho xã hội chúng ta ngày càng tốt đẹp hơn, ấm áp tình người và chứa chan hạnh phúc của sẻ chia trong tình đồng bào gắn kết.

Xét cho cùng, sự tự nguyện, tự giác tuy mất công sức để rèn luyện, để sáng tạo nhưng nó báo hiệu sẽ có được một tương lai tốt đẹp.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự nguyện, tự giác

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO