Sự cố tắc nghẽn trên kênh đào Suez phần nào có tác động tới xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Về cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu vẫn được vận chuyển bằng đường biển, đi qua kênh Suez.
Sự cố này một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng của logistics trong hoạt động thương mại cũng như phát triển kinh tế nói chung.
Năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỷ USD, và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỷ USD. 2 tháng đầu năm 2021, con số xuất khẩu là 7,5 tỷ USD, và nhập khẩu 3,1 tỷ USD, tương ứng với tốc độ tăng trưởng 18% và 12%. Châu Âu là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, sau Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Hàn Quốc.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), ngoài một khối lượng nhỏ hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không và đường sắt, về cơ bản hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với châu Âu vẫn được vận chuyển bằng đường biển, đi qua kênh Suez. Do vậy sự cố trên kênh đào Suez sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với châu Âu.
Cùng với tình trạng khan hiếm container, giá cước tàu biển tăng cao do tác động của dịch Covid-19, sự cố tại kênh Suez góp phần làm tăng thêm các khó khăn cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. “Các vấn đề trên cho thấy vai trò rất quan trọng của logistics trong hoạt động phát triển kinh tế nói chung và phát triển thương mại nói riêng”, ông Hải nêu quan điểm.
Theo nhận định của các chuyên gia trong ngành, Việt Nam đã có những cải tiến về dịch vụ logistics, tuy nhiên, trên thực tế chi phí của dịch vụ logistics tại Việt Nam còn khá cao tăng giá thành, khiến cho doanh nghiệp (DN) bị giảm sức cạnh tranh, từ đó giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.
Nói về dịch vụ logistics ở nước ta hiện nay, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng Việt Nam chưa có những DN logistics lớn vươn ra tầm khu vực và thế giới, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics cho các loại hình DN, nguồn nhân lực cho hoạt động này chưa đạt yêu cầu.
Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), cần có một chính sách đồng bộ để phát triển thị trường logisitcs, trong đó tạo ra những điều kiện thuận lợi cho các DN cung ứng dịch vụ logistics.
Logistics Việt Nam có hơn 4.000 DN nhưng vô cùng nhỏ bé và không liên kết với nhau; có vài nghìn DN hoạt động xuất nhập khẩu nhưng lại tự lo lấy hoạt động logistics, hoạt động thuê ngoài rất hạn chế. Điểm quan trọng bậc nhất hiện nay vẫn là môi trường pháp lý để phát triển thị trường logistics, trong đó có cả phát triển cung, phát triển cầu và điều kiện để hoạt động trên thị trường đó.
Giới chuyên gia nhận định, logistics Việt Nam phải trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn sự phát triển của ngành này với thị trường nội địa, thị trường xuất khẩu một cách đồng bộ. Cùng với đó là việc phát triển hệ thống giao thông vận tải hiện đại cũng như chuyển đổi số trong lĩnh vực này trong một thời gian gần nhất.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều ý kiến cho rằng, cần tạo lập môi trường phát triển bình đẳng và cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các thành phần kinh tế và các DN tham gia logistics. Với lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng sẵn có, nhà quản lý cần có các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và thu hút việc đầu tư vào lĩnh vực này.
Đồng ý chủ trương đầu tư mạnh vào logistics, song nhiều ý kiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng phải thay đổi, đẩy mạnh hoạt động của doanh nghiệp số, để có thể tạo sự kết nối giữa khách hàng với người cung cấp làm sao để khách hàng có thể theo dõi được từng bước đi của hàng hóa, điều này phụ thuộc rất nhiều vào khả năng số hóa của doanh nghiệp ngành này.