Nhiều năm qua, Thượng tọa Thích Minh Hạnh- Trụ trì Chùa Thiên Thới, thuộc xã Thới An Hội, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng được mệnh danh là sự thầy “xây cầu” bởi đã dành nhiều thời gian để vận động các Mạnh thường quân, các cá nhân đóng góp xây cầu bê tông xóa cầu khỉ cho nhiều miền quê nghèo. Cho tới nay, Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã vận động xây dựng gần 200 cây cầu bê tông và ước nguyện hoàn thành được 1.000 cây cầu bê tông cho bà con vùng sâu, vùng xa trong vùng ĐBSCL.
Thượng tọa Thích Minh Hạnh cùng bà con tại cù lao Phong Nẫm
cắt băng khánh thành cầu.
Vượt dòng sông Hậu bằng phà nhỏ, chúng tôi có mặt tại cù lao Phong Nẫm, thuộc xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Vừa đặt chân lên dãy đất cù lao chúng tôi cảm nhận được một không khí tất bật, vui vẻ, phấn khởi của đông đảo bà con đang tập trung để mừng lễ khánh thành cây cầu nối đôi bờ sông tại ấp Phong Phú.
Cây cầu được hoàn thành trong vòng một tháng kể từ khi động thổ khởi công cho đến khánh thành, đặc biệt hơn cầu có tổng giá trị xây dựng chỉ khoảng 100 triệu đồng và 300 ngày công lao động. Cầu có chiều rộng 2,5m và dài 28m, có thể chịu tải khoảng 3 - 5 tấn được chính tay Thượng tọa Thích Minh Hạnh thiết kế và đôn đốc thi công.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Khâu, cư dân ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm cho biết: Hôm nay bà con trong xã vui mừng làm lễ khánh thành cây cầu mới khang trang, rộng rãi thay cho cây cầu cũ chỉ rộng chừng hơn 1m. Trước đây, cứ mỗi lần qua cầu, bà con, xe cộ qua lại cứ nơm nớp lo sợ vì cầu hẹp, yếu, vận chuyển hàng hóa rất khó khăn.
Được biết cây cầu tại ấp Phong Phú trên địa bàn xã Phong Nẫm, là cây cầu thứ 4 được Thượng tọa đứng ra xây dựng. Chỉ tính riêng trong năm 2016, đây là cây cầu thứ 24 được khánh thành. Từ đây đến cuối năm, dự kiến sẽ có gần 10 cây nữa được hoàn thành đưa vào phục vụ bà con. Cầu tại ấp Phong Nẫm giúp kết nối 3 điểm trường trên địa bàn xã Phong Nẫm gồm: Trường Mẫu giáo Phong Nẫm, Trường Tiểu học Phong Thới, Trường tiểu học Phong Nẫm. Có cầu, học sinh tại các điểm xa trường có thể đi học được thuận tiện và an toàn hơn. Phụ huynh đưa đón con em cũng dễ dàng. Cô Phạm Thị Trang Tiên- Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phong Nẫm cho biết: Cây cầu tại ấp Phong Phú hoàn thành không chỉ là niềm vui của nhiều phụ huynh và học sinh, mà phía nhà trường cũng vô cùng phấn khởi, vì các bé sẽ được đi đến trường được thuận tiện, an toàn. Qua đó việc bỏ lớp của học sinh được hạn chế rất nhiều.
Ông Vương Hiếu Thuận, ngụ ấp Phong Phú, xã Phong Nẫm cho biết: Trước đây, việc vận chuyển trái cây ra trục lộ chính của xã rất khó khăn, do đó giá bán trái cây thường thấp hơn từ 1.000 đến 1.500 mỗi kg. Bây giờ nhờ có được cây cầu mới, chắc chắn bà con làm vườn sẽ tăng thêm thu nhập đáng kể.
Thượng tọa Thích Minh Hạnh cho biết, cơ duyên để trở thành “kiến trúc sư bất đắc dĩ” như sau: Trong chuyến công du tại Mỹ, được chứng kiến hệ thống hạ tầng giao thông ở Mỹ khá phát triển, rồi ngẫm lại bà con của mình tại nhiều vùng khó khăn phải đi qua cầu khỉ cheo leo, vất vả nên thầy đã trăn trở với ý nghĩ làm sao để có được những chiếc cầu bê tông để giúp bà con vơi đi phần khó khăn. Từ đó, dù không phải là người am hiểu sâu về kiến thức xây dựng, nhưng Thượng tọa Thích Minh Hạnh không ngừng tìm tòi học hỏi, nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm trong việc xây dựng những cây cầu đầu tiên.
Trao đổi với chúng tôi, bà Phan Kim Nhẹ, Phật tử cũng là cộng sự của Thượng tọa Thích Minh Hạnh trong việc xây cầu cho biết: Mỗi cây cầu do Thầy vận động xây dựng chi phí chỉ khoảng bằng phân nửa so với thuê mướn đơn vị thi công là vì ngoài chi phí hỗ trợ của các Mạnh thường quân, nhà hảo tâm, Thượng tọa còn huy động sự đóng góp của bà con ngay tại chỗ. Ai có sức thì góp ngày công lao động, ai có vật liệu gì thì góp thêm vào công trình. Hầu như các cây cầu đều chỉ tốn tiền mua vật tư xây dựng như: sắt thép, xi măng, đá, cát. Các chi phí thiết kế, nhân công hoàn toàn đều do người dân đóng góp. Ngoài ra, mỗi điểm làm cầu đều có riêng một tổ nấu cơm, do các chị em trong xóm ấp tại nơi làm cầu phụ trách và ủng hộ.
Chia sẻ với chúng tôi về những kết quả làm được, Thượng tọa Thích Minh Hạnh từ tốn cho biết: Cái cốt là ở tấm lòng. Một mình thầy không thể làm được bất kì cây cầu nào nếu không có tấm lòng của bà con, Mạnh thường quân, nhà hảo tâm. Từ tấm lòng chân thành sẽ đi đến sự đồng lòng. Chính quyền địa phương đồng lòng ủng hộ.
Bà Phạm Thị Trinh, Phó Chủ tịch UBMTT tỉnh Sóc Trăng cho biết: Mô hình xây cầu bê tông xóa cầu khỉ của Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã đóng góp rất lớn vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương trên toàn tỉnh. Những cây cầu bê tông kiên cố đã giúp việc đi lại, buôn bán, học tập của học sinh và bà con được thuận tiện hơn rất nhiều, góp phần xóa đói giảm nghèo tại các cụm dân cư vùng sâu, vùng xa.
Với những đóng góp trong hoạt động xây cầu và từ thiện, nhân dạo, Thượng tọa Thích Minh Hạnh đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vào năm 2015 và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, cùng nhiều bằng khen khác của các cấp.