Những năm gần đây, nhu cầu du học của học sinh, sinh viên Việt Nam không ngừng gia tăng, thể hiện qua các thống kê số lượng du học sinh theo học tại nước ngoài. Song, theo Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và Đào tạo), thị trường tư vấn du học còn tồn tại không ít vi phạm, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh.
Báo cáo mới nhất của Cục Hợp tác quốc tế vừa công bố cho thấy, trong năm 2024 số lượng tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đã đạt đến 3.423 tổ chức, với 2.860 tổ chức đang hoạt động. Một số tổ chức không hoạt động trở lại hậu Covid-19 hoặc ngừng kinh doanh do hoạt động không hiệu quả. Tính đến ngày 15/9/2024, có 203 tổ chức mới đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Hợp tác quốc tế, thị trường tư vấn du học hiện có nhiều tồn tại như: tổ chức hoạt động không có giấy phép; tư vấn không minh bạch, gây thiệt hại cho học sinh và phụ huynh; vi phạm về thu phí không đúng quy định hoặc thu phí mà không thực hiện tư vấn rồi bỏ trốn. Ngoài ra, còn có các chương trình du học trá hình (đưa người ra nước ngoài trái phép); hoạt động khi chưa đủ điều kiện (không có hợp đồng với đối tác nước ngoài, thu hồ sơ và chuyển sinh viên cho các tổ chức tư vấn có trụ sở ở nước ngoài); văn phòng tư vấn du học ma (thực hiện tư vấn thông qua mạng xã hội, không có văn phòng trụ sở thực…); thực hiện kinh doanh không đạo đức (tư vấn cho học sinh và gia đình đến những cơ sở đào tạo kém chất lượng, được trả phí hoa hồng cao)...
Thời gian qua đã có những vụ việc trung tâm tư vấn du học cung cấp thông tin sai lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người học mà còn tác động xấu đến hình ảnh của các tổ chức giáo dục quốc tế, uy tín của hệ thống giáo dục Việt Nam. Thậm chí có những văn phòng tư vấn “du học ma”, thực hiện tư vấn thông qua mạng xã hội, không có văn phòng trụ sở thực...
Trước đó, đánh giá tình hình hoạt động của các trung tâm tư vấn du học năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội cho biết, trên thực tế vẫn còn một số trung tâm chưa thực hiện các nội dung công khai theo quy định; một số trung tâm làm giả năng lực tài chính nhân thân; nội dung giao kết hợp đồng với gia đình người học chưa chặt chẽ, chưa rõ trách nhiệm và cam kết của các bên…
Nhằm siết hoạt động tư vấn du học trên địa bàn, ngoài các giải pháp về công tác quản lý nhà nước, Sở GDĐT Hà Nội cũng kịp thời, thường xuyên cập nhật và công khai danh sách các trung tâm tư vấn du học đã được cấp phép hoạt động trên địa bàn thành phố, nhằm giúp người dân có thêm kênh thông tin chính thức trong việc lựa chọn, quyết định nơi đăng ký dịch vụ tư vấn du học khi có nhu cầu.
Để thị trường tư vấn du học minh bạch, đảm bảo chất lượng và giữ được chữ tín, tại hội thảo “Công tác quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học” do Bộ GDĐT vừa tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ GDĐT nhấn mạnh, thời gian qua Bộ GDĐT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quản lý nhà nước đối với dịch vụ tư vấn du học. Sự phát triển nhanh chóng của thị trường dịch vụ tư vấn du học, số lượng trung tâm tư vấn du học ở một số địa phương là rất lớn, đòi hỏi phải có những giải pháp quản lý mới và phù hợp với thực tiễn. Bộ GDĐT mong muốn các công ty tư vấn nâng cao trách nhiệm của mình, tuân thủ pháp luật, chuyên nghiệp và trung thực, khách quan trong việc tư vấn. Không vì chạy theo doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp mình mà tư vấn không chính xác, sai lệch dẫn đến các em học sinh, sinh viên, phụ huynh lựa chọn trường, ngành, quốc gia không phù hợp. Ngoài mục tiêu kinh doanh, dịch vụ tư vấn du học phải thể hiện trách nhiệm xã hội, bởi giáo dục là một lĩnh vực đặc thù, liên quan tới tương lai con người.