Về đề tài “Tuổi trẻ và tuổi già” có nhiều ý kiến khác nhau, nhiều ý kiến trái chiều nhau. Một tờ báo tiếng Pháp có uy tín đã đăng tải một ý kiến sau đây mà chúng tôi cho là xác đáng và đúng đắn hơn cả: “Suy nghĩ tích cực là phải suy nghĩ cho các thế hệ tương lai” (Penser positif c'est penser pour les générations futures).
Bài viết này viết theo hướng tích cực về cách nhìn nhận tuổi trẻ và tuổi già qua các danh ngôn đã được công nhận. Bài viết phản ánh phần nào ý kiến của các học giả tại các Hội thảo. Trước hết, khi thảo luận về Tuổi trẻ thì ai cũng dễ thống nhất rằng “Tuổi trẻ là hy vọng của gia đình, của xã hội, của đất nước”. Nhưng đến khi thảo luận về “Tuổi trẻ là tương lai của xã hội” thì nhiều ý kiến bổ sung:
- Tuổi trẻ muốn là tương lai phải được chuẩn bị tốt, tức là phải được dạy đạo lý làm người từ khi còn trẻ.
- Tuổi trẻ muốn là tương lai phải được chuẩn bị tốt về học nghề, hướng nghiệp tốt và định hướng tốt.
- Tuổi trẻ phải được trang bị từ nhỏ tư duy 4.0, tức là làm quen sớm rồi đi đến thành thạo công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, số hóa, rô bốt hóa ...
Thế có dạy tuổi trẻ cách làm giàu không? Dạy cách kiếm thật nhiều tiền không? Người nói có, người nói không nên. Người nói rất cần vì tư duy kiếm tiền là động lực, là năng lượng cho các công việc. Có người lại trích dẫn câu danh ngôn sau đây của tác giả Mỹ Horace Greelay (1811–1872): “Giờ phút tăm tối nhất trong đời một người thanh niên là lúc anh ta ngồi xuống để mưu toan kiếm tiền” (The darkest hour in the life of any young man is when he sits down to study how to get money). Hiểu khái quát: Người thanh niên là tương lai của đất nước thì phải biết cống hiến, biết cách làm rạng rỡ cho non sông đất nước chứ không nên chỉ cúi mặt kiếm tiền mưu lợi ích cá nhân.
Để hiểu rõ thêm ý kiến quan trọng này của Horace Greelay, cần phải giới thiệu thêm một số quan niệm trong cuộc đời con người là cái kiếm được và cái cống hiến cho xã hội.
Ngày trước cũng chưa xa, nhiều gia đình Việt Nam có nề nếp đã dạy con, dạy cháu cách học làm người trước khi dạy chúng kiếm tiền, vì họ đã nhìn thấu cái sự giầu có bất lương, bất chính sẽ dẫn đến những tai họa khôn lường cho con, cho cháu họ. Có thầy giáo già cứ buồn bã mãi khi nghe học trò ca ngợi đồng tiền: “Tiền là Tiên, là Phật, là sức bật của cuộc đời ...”. Đại văn hào Pháp Alfred de Musset (1810–1857) đã khẩn thiết nhắc nhở tuổi trẻ nên nghĩ đến tương lai của xã hội hơn là những hưởng lạc cá nhân khi ông viết: “Hỡi các bạn trẻ, ta thiết tha khẩn nguyện các em hãy để tâm đến những sự nghiệp lớn đang chờ đợi các em” (Oh, jeunesse, jeunesse, je t'en supplie, songe ā la grande besonge qui t'attend). Sự nghiệp lớn lao đó là: giúp cho xã hội phát triển tốt về văn hóa, giáo dục, công nghệ, khoa học... Trên thực tế, lịch sử đã chứng kiến biết bao nhà khoa học vĩ đại, những người đã tạo ra thế giới mới, văn minh hơn, giầu có hơn, nhưng bản thân các nhà bác học ấy lại sống rất đạm bạc, có người nghèo khó và chết trong bệnh tật. Ít thấy có nhà khoa học lớn, nhà văn lớn, nhạc sĩ lớn nào lại sống phè phỡn trong nhung lụa. Có vị còn bày tỏ sự ghê tởm đối với cuộc sống quá no đủ, xa xỉ thừa thãi và coi đó là một tội ác đối với bao nhiêu trẻ em, người già đang đói khổ.
Theo đạo lý làm người ở cả phương Đông lẫn phương Tây người ta đều muốn dạy bảo người thiếu niên, thanh niên suốt đời phải “Cần công kiệm học”, lấy sự siêng năng, chăm chỉ làm thước đo cho sự tiến thân về lâu dài. Một ngạn ngữ phương Đông đã dạy “Rèn sống đạm bạc để cho cái chí được trong sáng” (Đạm bạc dĩ minh chí) là luôn luôn đúng đắn và khoa học. Sống đạm bạc ít sinh bệnh tật, ít sinh tai họa để có một tuổi già vui vẻ, yên tĩnh. Chả thế mà nữ nhà thơ Việt Nam Hoàng Thị Minh Khanh có một tổng kết rất hay: “Tôi không buồn những buổi chiều/ Bởi vì tôi đã sống nhiều ban mai”. Ban mai đây chính là tuổi trẻ sôi nổi, thanh xuân tràn đầy nỗ lực học tập và dâng hiến.
Lại có những cựu chiến binh, những cựu thanh niên xung phong, những thầy gíáo già tận tụy suốt đời với học sinh... Khi họ gặp lại nhau tay bắt mặt mừng: “Bao nhiêu kỷ niệm thời xa vắng/ Sưởi ấm tim ta lúc tuổi già”. Lẽ dĩ nhiên chỉ có những chiến công, những đóng góp cho Tổ quốc, cho quê hương, cho gia đình mới giúp ta sưởi ấm được buổi hoàng hôn đã bắt đầu se lạnh!
Chính Napoléon đệ nhất đã tổng kết: “Mỗi giờ mất đi khi ta còn trẻ là một triệu chứng bất hạnh cho tương lai” (Chaque heure de temps perdu dans la jeunesse est une chance de malheur pour l'avenir). Vì thế mỗi giây mỗi phút của tuổi trẻ là quý báu, là phải học tập, phải cống hiến mới tránh được cái khó khăn, cái bất hạnh chắc chắn sẽ xảy ra trong tương lai gần hoặc tương lai xa.
Nữ tác giả người Áo Marie Ebner Eschenbach cắt nghĩa rõ hơn: “Lúc trẻ ta phải học hỏi thì lúc già ta mới thấu hiểu” (In youth we learn in age we understand). Thế mới biết, ở các lớp học mở cấp tốc để dạy hết cái nọ đến cái kia thì có khi mất rất nhiều tiền mà không vẫn hoàn không. Vì sao thế? Vì cái gì cũng thế, đặc biệt là kiến thức phải có thời gian để thấm, để ngấm, để thực hành. Thực hành nhiều lần, có lần thất bại, có lần thành công, cứ thế mãi mãi kiên nhẫn trên dòng đời tuôn chảy thì may ra đến khi đứng tuổi, lúc về già ta mới hiểu được phần nào ý nghĩa của cuộc đời.
Triết gia người Anh Benjamin Disraeli (1804 - 1881) lại rất thận trọng đánh giá từng giai đoạn của cuộc đời một con người. Ông viết: “Tuổi ấu thơ là lỗi lầm, tuổi trẻ là một cuộc tranh đấu, tuổi già là sự hối tiếc” (Youth is blunder, manhood a struggle, old age a regret). Câu này của Disraeli rất thú vị và rất nhiều ý tứ, là đề tài của nhiều kỳ thi học sinh giỏi. Những bài thi xuất sắc đều nêu được các ý tứ sau đây:
- Ta cố tránh đừng dừng lại ở thời thơ ấu lâu quá, mà phải học tập, lao động thật chăm chỉ để bước vào cuộc tranh đấu cho xứng đáng là một tuổi trẻ đã trưởng thành. Thực tế có nhiều người kéo dài tuổi ấu thơ lâu quá, liên tục mắc lỗi lầm, để đến lúc 30, 40 tuổi vẫn dở dang, chẳng ra đâu vào đâu cả.
- Ta cố gắng phấn đấu, để đến khi về già ta không phải hối tiếc, hối hận, chua xót vì những năm tháng đã sống hoài sống phí. Nếu có điều gì phải luyến tiếc, đó chỉ là vì ta đã cố gắng hết sức mà lực bất tòng tâm. Như thế ta chẳng cần phải ân hận gì.
Tác giả người Canada William Osier lại gợi mở về độ tuổi chi tiết hơn, khoa học hơn, thực tế hơn khi ông viết: “Con người ta cần học đến năm 25 tuổi, tìm tòi nghiên cứu đến năm 40 tuổi và làm việc chuyên nghiệp đến năm 60 tuổi” (Study until twenty-five, investigation until forty, profession until sixty). Thực tế cuộc sống đã cho thấy việc định tuổi cho các công việc của Osier là hết sức khoa học và chớ nên đảo ngược. Vạn bất đắc dĩ lắm mới nên học chuyên môn vào lúc 30 tuổi hay học tiếng Anh vào lúc 40 tuổi. Vì sao? Vì khả năng học tập tốt nhất, tiếp thu nhanh, học rồi nhớ lâu nhất phải là trước 25 tuổi. Trên cơ sở có cái vốn cơ bản (Background) rồi mới tìm tòi, nghiên cứu sâu được. Đến sau 60 tuổi khả năng làm việc kém đi, một phần vì sức khỏe giảm sút do quá trình lão hóa không tránh khỏi, một phần vì sau 30, 40 năm các kiến thức và sự hiểu biết về khoa học, kỹ thuật đã có nhiều tiến bộ hơn, những kiến thức được học cũ nếu không tự cập nhật, tự nâng cao sẽ trở nên lạc hậu, không còn đáp ứng được với tình hình công việc mới đòi hỏi nữa. Vả lại, theo quy luật phát triển của trí tuệ, nếu trong độ tuổi 20 anh phải có vốn kiến thức đã, tức là phải luôn động não tiếp thu, động não ghi nhớ, động não nhắc đi nhắc lại các kiến thức cho khỏi quên thì khi bước sang tuổi 30 anh mới có vốn để so sánh, lập luận. Như thế, khi bước sang tuổi 40 anh sẽ có thừa khả năng để phán đoán, để kết luận vấn đề.
Nhà thơ Anh Alfred Tennyson (1809–1892) đã nêu công thức cực kỳ ngắn gọn là: “Ở tuổi 20 tinh thần ngự trị, ở tuổi 30 ý chí ngự trị và ở tuổi 40 phán đoán ngự trị” (At 20 years of age the will reigne, at 30 the win, at 40 the judgment). Hoan hô Tennyson đã khái quát rất dễ hiểu, dễ nhớ, dễ phấn đấu trong bước đường học tập không ngừng của con người.
Khép lại bài viết, không gì thú vị hơn là trích dẫn lời dạy của James Garfield (Tổng thống thứ 20 của Mỹ): “Nếu trên trán ta bắt đầu có nếp nhăn thì đừng nên để tim ta có một nếp nhăn nào cả. Vì tinh thần của ta không được phép già nua” (If wrinkles must be written upon our brows, let them not be written upon the heart. The spirit should not grow old).