Dự án “Tương lai của truyền thống” vừa tổ chức buổi trò chuyện “Cảm hứng nghệ thuật Tuồng”. Với sự tham gia của NSND Mẫn Thị Thu, NSƯT Phạm Quốc Chí, NSƯT Nguyễn Ngọc Khánh, Nghệ sĩ Nguyễn Thành Nam một lần nữa những bất cập trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Tuồng đã được chính người trong cuộc chia sẻ.
Các nghệ sĩ tại buổi trò chuyện “Cảm hứng nghệ thuật Tuồng”.
Tuồng là bộ môn nghệ thuật cung đình, phát triển mạnh mẽ từ thời nhà Nguyễn, từng được coi là quốc kịch. Tuy nhiên, càng đến thời hiện đại thì người hâm mộ tuồng càng ngày càng ít, Tuồng đang mất dần vị thế và khán giả, thiếu hụt nhân lực và có nguy cơ mai một.
NSND Mẫn Thị Thu chia sẻ: “Sự tập luyện, sự đãi ngộ nó quá chênh lệch, cuộc sống của những người nghệ sĩ theo đuổi nghệ thuật truyền thống nó khổ quá, nó không đủ để người ta sống, người ta làm nghề”. Cũng theo NSND Mẫn Thị Thu, một phần lỗi nữa là do cơ quan quản lý và các nghệ sĩ, những người làm nghề, không biết quảng bá nó, không biết cách đưa đến công chúng để công chúng hiểu là mình đang làm gì? Trong khi có quá nhiều loại hình nghệ thuật mới lạ và hấp dẫn thì Tuồng lại ê a, sầu thảm. Tuồng là nghệ thuật truyền thống của dân tộc được giữ gìn mấy trăm năm nay, nhưng nó tương đồng hoàn toàn với nghệ thuật đương đại, bởi vì nghệ thuật đó là do người nghệ sĩ mô tả ra, diễn tả ra.
“Ví dụ như diễn cưỡi 1 con ngựa, nhưng không phải là con ngựa thật mà chỉ là cái roi ngựa thôi. Nhưng người nghệ sĩ họ thể hiện ra cái con ngựa ấy là con ngựa bất kham hay con ngựa hiền lành, con ngựa ấy đi ở đồng bằng hay trèo đèo lội suối là do người nghệ sĩ, do nghệ thuật của người nghệ sĩ người ta thể hiện ra, thì đó giống với nghệ thuật đương đại” - NSND Mẫn Thị Thu nói.
Khi được hỏi làm thế nào để những vở tuồng trở nên dễ hiểu? NSND Mẫn Thị Thu chia sẻ: “Khi diễn 1 vở về lịch sử, truyền thống, nghệ sĩ phải thể hiện được làm sao cho các nhân vật phải mạch lạc, hát, diễn, xướng làm sao để khán giả có thể nghe được câu văn là nghệ sĩ hát gì, nói gì. Còn nếu hát mà để người ta không hiểu gì, không nghe được gì thì người ta không đến với anh được. Đó là lỗi của những người nghệ sĩ chứ không phải lỗi của nghệ thuật”.
Tại buổi trò chuyện các nghệ sĩ cho rằng nghệ thuật Tuồng thì phải là Tuồng, hát nói, diễn, múa phải ra chất Tuồng, chỉ cần hát một câu người ta cũng có thể nhận ra đó là Tuồng.
Được biết dự án “Tương lai của truyền thống” sẽ được triển khai bằng chuỗi các buổi nói chuyện chuyên sâu cùng các nghệ nhân từ nhiều lĩnh vực truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải lương và các nghệ sĩ đương đại thực hành với chất liệu truyền thống như Nguyễn Trinh Thi, Trần Kim Ngọc, Nguyễn Oanh Phi Phi, Nguyễn Huy An, Nguyễn Đức Phương, Trần Lương… kéo dài vào các ngày cuối tuần từ đầu tháng 4/2019 đến tháng 6/2019.