Thỏa thuận đạt được tại cuộc hội đàm của Tổng thống Obama và Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại Hà Nội, với tuyên bố Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam cho thấy mối quan hệ song phương ngày càng được thắt chặt giữa hai nước. Còn nhớ trong chuyến thăm Hoa Kỳ năm 2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: “Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng tương lai thuộc về chúng ta”.
Bức ảnh Tổng thống Obama nhận hoa khi vừa tới Việt Nam, tối 22/5, được các phương tiện truyền thống thế giới đồng loạt giới thiệu. Nguồn: Reuters.
Trước chặng đường hơn 20 năm bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, là một hành trình dài tương tự kể từ khi Việt Nam thống nhất và tái thiết đất nước, với nỗ lực của cả hai bên, của rất nhiều người để từ hai nước cựu thù trở thành mối quan hệ đối tác toàn diện và đang ngày càng có những tiến triển tốt đẹp.
Như Ngoại trưởng John Kerry từng có lần phát biểu rằng không có hai quốc gia nào đã cùng nhau làm việc nhiều đến thế để đạt được những tiến bộ trong quan hệ giữa hai nước như Mỹ và Việt Nam.
Còn Đại sứ Mỹ Ted Osius khi trả lời phỏng vấn báo Đại Đoàn Kết đã lý giải: Đó là bởi trong quá trình giải quyết những vấn đề hậu chiến lúc ban đầu, hai bên đã tạo được niềm tin lẫn nhau - tiền đề để phát triển những quan hệ tốt đẹp sau này. Theo ông Ted Osius, “những gì chúng ta đạt được đã vượt quá sự mong đợi của cả hai bên”.
Hành trình chông gai để trở thành đối tác toàn diện của nhau đến hôm nay đã tiến thêm một bước mới khi phía Mỹ bỏ nốt lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. Đó là một chặng đường mà khi nhắc đến, Đại sứ Ted Osius nói rằng ông luôn nhớ đến những người có công lớn nhất, đầy nỗ lực để thúc đẩy quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Mỹ và nhân dân Việt Nam, như cựu Tổng thống Bill Clinton, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Lê Văn Bàng…
Nói đến hành trình Việt - Mỹ, lại phải nhớ đến một sự kiện khác, sớm hơn rất nhiều. Đó là một Đại đội Việt - Mỹ đã được Cụ Hồ thành lập năm 1944, cùng phe Đồng Minh chống phát xít Nhật. Đó là bức thư ngày 17/10/1945, gửi Tổng thống Mỹ Harry Truman lúc ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh bày tỏ: “Mong muốn tha thiết - mà Việt Nam cảm nhận sâu sắc và đã chứng tỏ một cách nhất trí - được hợp tác với những nền dân chủ khác trong việc tạo lập và củng cố nền hoà bình và phồn vinh trên thế giới…”.
Quan hệ Việt – Mỹ cho đến ngày hôm nay không khác với tinh thần ấy. Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Obama, thoả thuận đạt được cho thấy sự phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ “không chỉ lợi ích cho mỗi nước mà còn góp phần tăng cường quan hệ ASEAN - Mỹ, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới”.
Cốt lõi của mối quan hệ giữa hai nước, qua những thoả thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo hai nước là sự hợp tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Hành trình Việt – Mỹ hơn 20 năm qua kể từ khi bình thường hoá quan hệ chính là nhờ nỗ lực cùng vượt lên quá khứ, thúc đẩy những lợi ích chung để hướng tới tương lai. |
Có thể nói rằng kể từ sau khi nâng tầm quan hệ lên mức đối tác toàn diện vào năm 2013, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến đáng kể. Đặc biệt là trong 2 năm 2015 - 2016, với chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ, và của Tổng thống Obama tại Việt Nam những ngày này.
Sâu hơn những nghi thức ngoại giao, điều quan trọng là những thoả thuận, những thông điệp mà cả hai bên đã đạt được cùng nhau, trong mối quan hệ đối tác toàn diện một cách thực sự, hầu như còn rất ít rào cản kể từ bây giờ. Trong thế giới hiện đại ngày nay, những mối quan hệ sâu sắc, mạnh mẽ rất quan trọng đối với mỗi quốc gia, không phải chỉ trong mối quan hệ song phương giữa hai quốc gia mà còn đối với mối quan hệ giữa hai nước trên toàn cầu.
Nhưng cốt lõi của mối quan hệ giữa hai nước, qua những thoả thuận đạt được giữa các nhà lãnh đạo là sự hợp tác toàn diện trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Hành trình Việt – Mỹ hơn 20 năm qua kể từ khi bình thường hoá quan hệ chính là nhờ nỗ lực cùng vượt lên quá khứ, thúc đẩy những lợi ích chung để hướng tới tương lai.
Trong chặng đường ấy, những thoả thuận và hợp tác chỉ có thể đạt được khi cả hai bên cùng tôn trọng những khác biệt của mỗi quốc gia, khắc phục những khác biệt, tìm kiếm những lợi ích chung của cả hai bên trong bối cảnh những lợi ích chung của toàn thế giới, để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đang mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Đang có rất nhiều vấn đề của riêng hai quốc gia, của chung toàn cầu mà mỗi bên đều có lợi ích của mình, cần sự hợp tác giải quyết của hai nước mà trong cuộc hội đàm cả hai bên đều nhất trí quan tâm, hợp tác giải quyết trong thời gian tới. Đó là nhất trí giải quyết tình hình Biển Đông, nhất trí tiếp tục hợp tác trong đối phó biến đổi khí hậu, hợp tác sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong...
Chuyến thăm của Tổng thống Obama tới Việt Nam với những thoả thuận đạt được đang mở ra một thời kỳ hợp tác mới cho cả hai quốc gia, với xu thế và lợi ích chung không thể đảo ngược.
Nói như Chủ tịch nước Trần Đại Quang: “Hy vọng Hoa Kỳ sẽ sớm là nhà đầu tư lớn nhất vào VN, hai nước còn nhiều tiềm năng phát triển nhất là sau khi ký Hiệp định TPP. Những bước tiến triển bắt nguồn từ thực tế hai bên ngày càng chia sẻ nhiều quan tâm, lợi ích chung, cam kết tôn trọng thể chế chính trị, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau”.
Những bước tiến mới trong quan hệ giữa hai nước hôm nay nối dài quan điểm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong cuộc hội đàm tại Nhà trắng ngày 7/7/2015: “Quá khứ không thể thay đổi được, nhưng tương lai thuộc về chúng ta”.