Từ trong tâm thức, thế hệ cán bộ, nhân viên báo Đại Đoàn Kết ngày nay mãi mãi ghi nhớ công ơn của người đã sáng lập, phụ trách, chèo lái, đưa báo Cứu Quốc-Đại Đoàn Kết vượt qua những tháng năm đầu đầy gian khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền lửa cách mạng...
Đoàn cán bộ, phóng viên báo Đại đoàn kết do TBT Hồng Thanh Quang dẫn đầu thắp hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Ảnh: Trần Ngọc Kha.
Hướng tới kỷ niệm 75 năm ngày thành lập báo Cứu Quốc-cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Minh, tiền thân của báo Đại Đoàn Kết (25/1/1942 - 25/1/2017), ngày 21/12, đoàn công tác gồm đại diện Ban biên tập, chi bộ, các tổ chức đoàn thể cơ quan báo Đại Đoàn Kết do nhà thơ, nhà báo Hồng Thanh Quang, Tổng biên tập Báo dẫn đầu đã về làm lễ dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Trường Chinh tại Nhà lưu niệm cố Tổng Bí thư ở quê hương ông: làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định)...
Tại đây, đoàn đã thực hiện nghi lễ dâng hương tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Trường Chinh, người đã chỉ đạo thành lập và trực tiếp làm chủ bút báo Cứu Quốc những ngày đầu thành lập.
Trong không khí thành kính, trang nghiêm, từ trong tâm thức, thế hệ cán bộ, nhân viên báo Đại Đoàn Kết ngày nay mãi mãi ghi nhớ công ơn của người đã sáng lập, phụ trách, chèo lái, đưa báo Cứu Quốc-Đại Đoàn Kết vượt qua những tháng năm đầu đầy gian khó, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền lửa cách mạng, cổ vũ, động viên nhân dân đứng lên thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành lại nền độc lập cho dân tộc...
Đoàn công tác tham quan khu Lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Đến nay, báo Cứu Quốc-Đại Đoàn Kết đã trải qua bề dày lịch sử 75 năm thành lập, phát triển; là một trong những tờ báo chính trị hàng đầu của đất nước, cơ quan ngôn luận trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với nhiều ấn phẩm và hai loại hình báo chí gồm báo in và báo điện tử, hoạt động với tôn chỉ, mục đích cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh đoàn kết để xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước...
Cố Tổng Bí thư Trường Chinh sinh ra trong một gia đình trí thức Nho học ở làng Hành Thiện - một làng quê nổi tiếng với truyền thống văn hoá, văn hiến, đặc biệt là truyền thống hiếu học, khoa bảng thời kỳ nào cũng rạng rỡ, với rất nhiều người đỗ đạt.
Trong làng có tư tưởng trọng chữ hơn trọng giàu. Lo “nghèo chữ” nên người làng ai cũng ham học, coi học là “nghề”. Đã học, ai cũng quyết tâm! Khi đỗ đạt rồi, người trước quay lại dạy người sau. Ông dạy bố, bố dạy con, con dạy cháu... cứ thế tiếp nối.
Có một chuyện sử làng vẫn lưu truyền: ông Đặng Xuân Bảng (ông nội đồng chí Trường Chinh) nhà nghèo không có tiền theo học thầy, chỉ học cha là Đặng Viết Hoè mà đỗ Tiến sỹ năm 29 tuổi. Khi dự yến vua ban, được vua Tự Đức hỏi học ai, ông tâu chỉ học cha mình, vua cảm phục ban cho bố con ông bốn chữ "Giáo tử đăng khoa” (Dạy con đỗ đạt)...
Những người Hành Thiện sau khi đỗ đạt đều mang sở học ra giúp dân, giúp nước. Ngoài số làm quan giúp việc triều đình, còn lại đều đi khắp nơi làm thầy giáo, thầy thuốc. Trải qua nhiều chức vụ quan trọng dưới triều Nguyễn, khi trở về làng ông nghè Đặng Xuân Bảng chỉ chú tâm vào việc viết sách, mở trường dạy học. Học trò của ông thi đỗ rất đông...
Đầu thế kỷ 20, hầu hết các trí thức làng Hành Thiện đều tích cực tham gia các phong trào yêu nước. Cụ Đặng Xuân Viên, thân sinh cố Tổng Bí thư Trường Chinh là một trong những người thành lập ra Nam Việt Đồng, Thiên Hội ở Nam Định với mục đích sử dụng văn chương làm công cụ phổ biến chủ trương duy tân...
Nối tiếp truyền thống hiếu học, yêu nước của gia đình, của quê hương, đồng chí Trường Chinh đã nguyện mang hết trí tuệ, tâm huyết phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo đó, ngay từ khi còn là học sinh trung học ở TP Nam Định ông đã tham gia hoạt động cách mạng, với các hoạt động đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, cho tổ chức lễ truy điệu và để tang nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Chinh...
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, cố Tổng Bí thư Trường Chinh đã để lại những dấu ấn lớn. Theo đó, ngoài công lao, đóng góp to lớn vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành lại độc lập cho dân tộc; công lao, đóng góp cho sự nghiệp thống nhất đất nước; thời điểm 30 năm trước, cố Tổng Bí thư Trường Chinh được biết đến là người đã khởi xướng, đặt nền móng cho công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt là đổi mới trong tư duy kinh tế, tạo tiền đề để đất nước đạt được những thành tựu đổi mới như ngày nay...
Đoàn công tác bên tượng đài cố Tổng Bí thư Trường Chinh.
Ngoài là nhà cách mạng, cố Tổng Bí thư Trường Chinh còn được biết đến là một nhà báo chính luận hàng đầu, nhà thơ cách mạng với bút danh Sóng Hồng. Trong đó, ông đã trực tiếp chỉ đạo thành lập và phụ trách nhiều tờ báo cách mạng,trong đó có báo Cứu Quốc, tiền thân của báo Đại Đoàn Kết ngày nay.
Cụ thể, vào tháng 9/1941, 4 tháng sau ngày thành lập Mặt trận Việt Minh, tại Hội nghị Cán bộ toàn xứ Bắc Kỳ, đồng chí Trường Chinh với cương vị Tổng Bí thư của Đảng đã đề xuất chủ trương xuất bản một tờ báo làm cơ quan ngôn luận của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng Minh, phát hành rộng rãi trong các tổ chức Mặt trận. Ngày 25/1/1942, tại xã Xuân Kỳ, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội), báo Cứu Quốc chính thức xuất bản số đầu tiên. Người trực tiếp chỉ đạo nội dung tờ báo khi đó, chính là Tổng Bí thư Trường Chinh...
Thế hệ làm báo Đại Đoàn Kết hôm nay rất xúc động khi biết, từ khi ra đi hoạt động cách mạng, giữ những cương vị trọng trách của Đảng và Nhà nước, cố Tổng Bí thư Trường Chinh chỉ có 3 lần được về thăm quê.
Trong đó, vào năm 1939, thời điểm phong trào cách mạng gặp khó khăn, Đảng lui vào hoạt động bí mật, đồng chí Trường Chinh đã lui về ngôi nhà xưa hoạt động bí mật, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê hương. Tuy nhiên, tin "một nhân vật nguy hiểm” đang có mặt tại Hành Thiện nhanh chóng đến tai bọn tay sai, mật thám ở địa phương. Ngay lập tức chúng tổ chức vây bắt...
Biết mình đã bị lộ, được sự giúp đỡ của đồng chí, đồng bào quê hương, đồng chí Trường Chinh đã tìm được đường, vượt sông Hồng sang ẩn lấp ở cơ sở bí mật thuộc ở huyện Vũ Thư (Thái Bình). Từ đây, ông lại tiếp tục dấn thân trên hành trình làm cách mạng đầy gian khổ, hiểm nguy của mình...
Từ nhiều năm trước, ngôi nhà đã được tỉnh Nam Định xây dựng, tôn tạo làm Nhà Lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh. Khu lưu niệm rộng chừng hơn 500 m2, được bao bọc trong tường xây, dậu trúc khép kín mang đậm phong cách truyền thống.
Trong đó, ngôi nhà lưu niệm 5 gian, làm bằng gỗ được giữ gìn gần như nguyên vẹn. Tại đây hiện có ban thờ cố Tổng Bí thư Trường Chinh và trưng bày nhiều hiện vật liên quan đến gia đình, cuộc đời hoạt động cách mạng của ông...