Ngày 26/7, kết thúc phiên xét xử phúc thẩm (bắt đầu từ ngày 3/7); TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên tăng mức án đối với 2 bị cáo chủ chốt trong vụ án buôn lậu gỗ trắc (được coi là lớn nhất miền Trung, kéo dài 8 năm với 5 lần xét xử).
Các bị cáo tại phiên xét xử phúc thẩm ngày 26/7.
Theo đó, bị cáo Trương Huy Liệu, Phó giám đốc Công ty TNHT MTV Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng), bị tòa tuyên tăng mức án từ 1 năm 16 ngày lên 7 năm tù về tội buôn lậu. Bị cáo Trần Thị Dung (Giám đốc Công ty Ngọc Hưng, là vợ của bị cáo Trương Huy Liệu), bị Tòa tuyên tăng mức án từ 9 tháng tù treo lên 3 năm tù treo về tội buôn lậu. Tòa cũng tuyên giữ nguyên mức án 9 tháng tù treo đối với Đỗ Lý Nhi (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan cửa khẩu Cửa Việt, Quảng Trị), Lê Xuân Thành (nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Khu thương mại Lao Bảo, Quảng Trị) cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Trước đó, kết thúc phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 4 vào ngày 23/8/2018; TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Trương Huy Liệu 1 năm 16 ngày tù giam, (bằng với thời gian tạm giam), Trần Thị Dung 9 tháng tù cho hưởng án treo về tội buôn lậu (theo Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015). Tại phiên xét xử này, bị cáo Đỗ Danh Thắng (nguyên Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng), bị tuyên 6 tháng tù treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (theo Điều 285 Bộ luật hình sự năm 1999).
Như tin đã đưa, ngày 17/12/2011, Công ty Ngọc Hưng (trụ sở tại TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) nhập 614 m3 gỗ từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo. Sau đó 2 ngày toàn bộ số gỗ này được làm thủ tục hải quan tại cảng Cửa Việt, xuất sang Trung Quốc. Trong quá trình vận chuyển vào cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng) để xuống tàu sang Trung Quốc, lô hàng gỗ 614 m3 nói trên bị Công an quận Ngũ Hành Sơn bắt giữ, bàn giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý vì có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan. Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ra quyết định khởi tố vụ án, chuyển hồ sơ cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) Bộ Công an. Hồ sơ vụ án được C46 trả về Tổng cục Hải quan vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu. Tuy nhiên, sau đó hồ sơ vụ buôn bán này lại được chuyển tiếp sang Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (C44) Bộ Công an để ra quyết định khởi tố.
Ngày 30/10/2014 (3 năm sau khi lô hàng 614 m3 gỗ bị bắt giữ trên đường vận chuyển ra cảng Tiên Sa), TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử vụ án nhưng đã tuyên trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra bổ sung. Trong phiên tòa, các luật sư cho rằng cơ quan điều tra thanh lý lô hàng 614 m3 gỗ (được xác định là gỗ trắc) với số tiền 63 tỷ đồng là trái với quy định bởi đây là vật chứng quan trọng của vụ án.