Tuyển đại học năm 2023: Chú trọng tiêu chí việc làm sau tốt nghiệp

Dung Hòa 31/05/2023 07:40

Theo báo cáo mới nhất do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa công bố về tình hình việc làm của sinh viên giai đoạn 2018-2021 (trừ năm 2019) tỷ lệ sinh viên đại học (ĐH) có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp lên tới trên 90%.

Sinh viên thực hành tại doanh nghiệp. Ảnh: TL.

Tỷ lệ sinh viên có việc làm ở lĩnh vực môi trường cao nhất

Cụ thể, trong 22 lĩnh vực đào tạo, Môi trường và Bảo vệ môi trường dẫn đầu về tỷ lệ sinh viên có việc làm trong năm 2021. Riêng trong năm 2021, 10 lĩnh vực có tỷ lệ việc làm cao nhất xếp thứ tự (sau Môi trường) gồm: Nông – lâm - thủy sản; Nghệ thuật; Máy tính và công nghệ thông tin; Sức khỏe; Dịch vụ xã hội; Công nghệ kỹ thuật; Kỹ thuật; Kinh doanh và quản lý; Nhân văn.

Đáng lưu ý, Nông - lâm - thủy sản; Dịch vụ xã hội là 2 lĩnh vực thuộc nhóm tuyển sinh kém nhất trong nhiều năm nay, nhưng lại dẫn đầu về tỷ lệ sinh viên có việc làm. Mỗi năm, 2 lĩnh vực này chỉ tuyển được khoảng 50% số chỉ tiêu. Các lĩnh vực được thí sinh ưa chuộng nhất như Kinh doanh và Quản lý, Máy tính và Công nghệ thông tin trong ba mùa tuyển sinh gần đây đều trong top 10 về tỷ lệ sinh viên có việc làm, lần lượt 92,2 và 93,5%. Năm ngoái, trong khoảng nửa triệu sinh viên nhập học, số chọn hai lĩnh vực này lần lượt là 26% và 13%.

TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH đánh giá, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng không thấp. Tuy nhiên, việc khảo sát ở giai đoạn đầu chưa phân tích được sinh viên làm việc đúng ngành đào tạo và mức lương ổn định hay không. Từ năm 2016, Bộ GDĐT quy định các trường ĐH phải báo cáo kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp 12 tháng. Đây là một trong các tiêu chí để các trường đề nghị chỉ tiêu tuyển sinh. Nếu tỷ lệ sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp 12 tháng dưới 80% thì những ngành đó không được tăng chỉ tiêu.

Ông Nghệ nhấn mạnh, khi đánh giá một cơ sở giáo dục ĐH có nhiều tiêu chí khác nhau, trong đó có tiêu chí rất quan trọng là tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp. Không thể nói trường ĐH có uy tín mà tỷ lệ sinh viên có việc làm lại thấp. Một số lĩnh vực tỷ lệ sinh viên có việc làm chưa cao, như Du lịch, Khách sạn, Thể thao và dịch vụ cá nhân; Dịch vụ vận tải… nguyên nhân là do vấn đề đào tạo ở nhà trường và thị trường lao động.

Cần thống kê thực chất

Lâu nay, trên thực tế nhiều cơ sở giáo dục ĐH công bố tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường đạt trên 90%, thậm chí 97 - 98%. Theo quy định của Bộ GDĐT, trong Đề án tuyển sinh hàng năm các trường ĐH phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước - nhằm làm căn cứ quan trọng cho chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm.

Đây không phải là yêu cầu mới, song tính thực chất của tỷ lệ này đến đâu, làm sao để những con số thống kê không phải là hình thức… hiện đang là băn khoăn của người học trước thềm mùa tuyển sinh.

Kết quả sinh viên có việc làm sau khi ra trường là tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo theo hướng gắn với thị trường lao động. Việc công khai tình hình việc làm của sinh viên tốt nghiệp là trách nhiệm của các trường, nhưng Bộ GDĐT cũng phải có trách nhiệm kiểm chứng.

Theo các chuyên gia, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm mang nhiều ý nghĩa. TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học - cao đẳng Việt Nam cho rằng, đây là con số biết nói thể hiện năng lực, chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tất nhiên, đó phải là những số liệu được thống kê, khảo sát bài bản, khoa học và có đủ cơ sở tin cậy. Muốn vậy, các trường cần có minh chứng rõ ràng, thực chất để xã hội tin tưởng.

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT nhìn nhận, thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau khi ra trường là một phần quan trọng mà các cơ sở giáo dục ĐH phải công bố công khai. Đây cũng là một trong những hình thức cam kết chất lượng đào tạo với xã hội. Ông Nhĩ bày tỏ: Tôi mừng khi nhìn vào tỷ lệ sinh viên có việc làm của nhiều trường lên đến 95 - 98%. Con số này thể hiện việc đào tạo đã đáp ứng được thị trường lao động. Ở góc nhìn khác, nó thể hiện cung - cầu đã gặp nhau. Song, đó phải là con số thực chất, không phải số liệu ảo cho đẹp. Theo đó, cần phân định tường minh giữa số liệu sinh viên ra trường có việc làm với việc làm đúng chuyên ngành đào tạo. Đây là 2 số liệu khác nhau nên ý nghĩa khác nhau.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nếu không kiểm soát được việc thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường, quy định công khai sẽ không còn ý nghĩa. Bộ GDĐT cần có chế tài để kiểm soát, tạo sự công bằng cho các nhà trường, làm thước đo trung thực về chất lượng đào tạo để thí sinh, phụ huynh, đơn vị sử dụng lao động tham khảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển đại học năm 2023: Chú trọng tiêu chí việc làm sau tốt nghiệp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO