Năm 2018, tỉnh Tuyên Quang dự kiến huy động hơn 1.799 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn nhân dân đóng góp trên 200 tỷ đồng, với mục tiêu phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã.
Theo đó, tỉnh Tuyên Quang xác định tập trung phát huy nội lực, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lựa chọn những nội dung phù hợp, thiết thực để vận động, khơi dậy tinh thần chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trong cộng đồng dân cư. Tỉnh lồng ghép nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án để phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hiệu quả chương trình “mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng dự án liên kết sản xuất với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ nông sản; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất…
Năm 2018, Tuyên Quang phấn đấu bê tông hóa trên 100 km đường giao thông nội đồng, kiên cố hóa 275 km kênh mương, xây dựng 7 công trình cấp nước tập trung, xây dựng 41 công trình trường học các cấp…
Sau hơn 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh Tuyên Quang đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân các xã đạt 12 tiêu chí. Diện mạo nông thôn ở Tuyên Quang đã có sự thay đổi tích cực. Điển hình như thực hiện Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, đến nay Tuyên Quang đã huy động được trên 1.550 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ 48%, nhân dân đóng góp 52%) để bê tông hóa trên 2.700 km đường giao thông nông thôn, nhân dân tự nguyện hiến trên 41.847 m2 đất để làm đường…