Năm nay cùng với việc giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều trường sẽ bổ sung thêm phương thức xét tuyển nhằm đa dạng nguồn tuyển và gia tăng cơ hội cho thí sinh. Trong đó, nổi bật là sử dụng phương thức xét tuyển bằng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực (ĐGNL).
Phân loại đầu vào tốt hơn
Kể từ ngày 1/1/2022 hệ thống đăng ký và thi thử bài thi “Đánh giá tư duy” của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã chính thức mở cho thí sinh đăng ký thi thử đợt đầu tiên. Kỳ thi thử này sẽ kéo dài đến hết ngày 15/1.
Đại diện Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, sau chương trình tư vấn đầu tiên về kỳ thi đánh giá tư duy, đã có hơn 6.000 thí sinh vào đăng ký và thi thử. Kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội diễn ra trong một ngày ở 4 tỉnh, thành; kết quả được ít nhất 8 trường sử dụng. So với lần đầu tổ chức vào năm 2020, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 của ĐH Bách khoa Hà Nội đã mở rộng quy mô.
Theo dự kiến, kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 diễn ra trong 1 ngày sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc một tuần. Kỳ thi được tổ chức tại 4 địa điểm thuận lợi cho học sinh gồm Hà Nội (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và các trường trong nhóm), Hải Phòng, Nghệ An và Phú Thọ.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2022 đã được Trường ĐH Bách khoa công bố, năm nay đơn vị này sẽ dành 60 - 70% chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.
Mùa tuyển sinh năm 2022, nhiều trường ĐH sẽ tổ chức kỳ thi ĐGNL để làm căn cứ tuyển sinh ĐH. Đơn cử như có khoảng 50 trường ĐH đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia Hà Nội. Còn ở mùa tuyển sinh năm 2021 có tới 70 trường ĐH sử dụng kết quả kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP HCM để tuyển sinh.
Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, từ năm 2020, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP HCM đã trở thành phương thức quan trọng thứ 3 sau 2 phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT và dựa vào học bạ THPT, được nhiều trường ĐH sử dụng làm phương thức xét tuyển và nhiều thí sinh dự thi để lấy kết quả xét tuyển.
Kỳ thi tổ chức nhiều cụm, tạo điều kiện cho thí sinh ở nhiều địa phương tham dự. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP HCM với các kỳ thi riêng của những trường ĐH khác. Một đặc điểm lớn của kỳ thi ĐGNL do ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức mà không kỳ thi nào có được là số lượng và tỷ lệ học sinh các trường chuyên và trường THPT lớn tại các địa phương tham gia rất cao.
Chính điều này bảo đảm chất lượng đầu vào khá tốt cho nguồn tuyển của các trường ĐH. Nhiều tỉnh, thành có tỷ lệ học sinh đăng ký dự thi chiếm hơn 25% học sinh của địa phương như TP HCM, Bình Dương…
Thí sinh không nên bỏ lỡ cơ hội
Trong Chương trình tư vấn trực tuyến “Tuyển sinh năm 2022 có gì mới” vừa được tổ chức tại khu vực phía Nam, đại diện của các trường ĐH khuyên thí sinh nên chủ động đăng ký tham dự những kỳ thi ĐGNL ngay từ đợt đầu và cần xóa bỏ định kiến cho rằng chỉ có học sinh giỏi mới tham dự kỳ thi này.
Ông Trần Mạnh Thái - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh - truyền thông, Trường ĐH Văn Hiến đưa ra lời khuyên, các trường ĐH đưa ra nhiều phương án nên thí sinh cần nắm bắt và đừng bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội nào. Thí sinh cũng nên xóa bỏ định kiến cho rằng chỉ có học sinh giỏi và xuất sắc mới tham dự kỳ thi ĐGNL nhưng thực tế đây là kỳ thi chung cho tất cả thí sinh đăng ký và có nhu cầu.
Đến thời điểm này, các ĐHQG, ĐH vùng và trường/nhóm trường ĐH đã chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ những điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi ĐGNL để làm căn cứ xét tuyển. Dẫu thế, trước áp lực của các sĩ tử khi các em vừa phải luyện thi tốt nghiệp THPT vừa lo thi ĐGNL, trong điều kiện học tập phòng, chống Covid-19 trong thời gian kéo dài, các chuyên gia giáo dục cho rằng việc ôn luyện phải được điều tiết cho hài hòa.
Cô giáo Phương Mai - Trường THPT Phương Nam (Hà Nội) nêu quan điểm, để không gây áp lực với học sinh lớp 12 THPT, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn định hướng chung cho các trường ĐH, Học viện, cao đẳng… trong việc thiết kế các ĐGNL sẽ gồm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm kiến thức theo chương trình và kiến thức đặc thù của ngành tuyển sinh.