Sau khi Bộ GDĐT đưa ra dự kiến phương án thi và xét tuyển sinh đại học (ĐH) từ năm 2021, nhiều ý kiến đồng tình. Nói như GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, thì nếu thi như hiện nay một là giáo viên sẽ cắt bớt chương trình, hai là sẽ tranh thủ mọi thời gian để luyện thi theo cách ra đề nhiều khi rất khó. Như vậy sẽ làm tăng áp lực cho người học.
Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2018.
Nhìn chung, nhiều ý kiến tán đồng với việc mở rộng việc xét tuyển ĐH, nhưng cái khó hiện nay là các trường ĐH vẫn dựa vào kết quả kỳ thi trung học phổ thông (THPT) là chính, dù lý thuyết thì vẫn cho rằng trường ĐH vẫn tổ chức kỳ thi cho riêng mình. Có ý kiến cho rằng, với hình thức này, các trường ĐH sẽ “lười” không muốn tổ chức kỳ thi riêng, mà dựa luôn vào kết quả thi tốt nghiệp THPT làm cơ sở tuyển sinh.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, dựa hoàn toàn vào kết quả thi THPT hay bổ sung cách thức tuyển sinh khác là quyền của các trường ĐH. Tuy nhiên, trên thực tế, với thế giới thì những trường ĐH không chỉ dựa vào kết quả thi THPT để tuyển sinh mà họ vẫn tổ chức thi tuyển để giữ chất lượng đầu vào cho trường.
Thi hay xét tuyển theo kết quả từ THPT, theo PGS Nguyễn Văn Khải (Trường ĐH Y Hải Phòng), không phải các trường ĐH muốn “lười” mà đó là một lựa chọn sau khi cân nhắc lợi ích của nhà trường và thí sinh. Để đưa ra được một phương án tuyển sinh mà không lệ thuộc vào kết quả thi THPT quốc gia, đối tượng đầu vào phải là diện chọn lọc thì khó thực hiện đối với nhiều trường. Còn một lãnh đạo trường ĐH cho biết, không phải trường không đủ năng lực hay không muốn tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, mà do chất lượng kỳ thi THPT quốc gia hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu tuyển chọn thí sinh đủ năng lực vào học ở trường mình. Nhất là trong quá trình học ĐH, các em sẽ được rèn luyện, kiểm tra, có đào thải, chứ không phải vào thế nào ra thế đấy.
Tuy nhiên, PGS Hoàng Minh Sơn (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho biết khi đã xét tuyển thí sinh vào qua kết quả kỳ thi THPT quốc gia, trường vẫn phải tổ chức một lần chọn lọc khác để chọn thí sinh vào học những lớp kỹ sư tài năng. Qua lần chọn lọc đó, trường nhận thấy kết quả thi THPT quốc gia của thí sinh không hoàn toàn tương đồng với kết quả tuyển chọn của trường, vì nhiều thí sinh điểm thi THPT quốc gia tuy rất cao nhưng vẫn bị loại. Với trường, thang giá trị để vào các lớp kỹ sư tài năng, ngoài điểm thi cao còn là phẩm chất và thái độ của người học.
Nhìn chung, nhiều ý kiến cho rằng nếu xét tốt nghiệp thì cứ tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia theo hướng nhẹ nhàng, còn một số trường ĐH tốp trên mà đầu vào muốn chọn lọc trong số thí sinh từ ngưỡng khá trở lên thì hợp tác với nhau tổ chức một kỳ thi. Nói như một giáo viên Trường THPH Nguyễn Hữu Huân (TPHCM) thì việc tuyển sinh ĐH cần giao cho trường ĐH tự quyết định. Có thể thi tuyển riêng, xét tuyển hoặc lấy điểm thi THPT (một phần hoặc toàn bộ). Tùy vào chất lượng đề thi, uy tín kỳ thi và độ tin cậy trong công tác tổ chức thi sẽ quyết định ĐH có sử dụng kết quả thi THPT hay không.