Giáo dục

Tuyển sinh đại học năm 2024: Nhiều trường tăng chỉ tiêu

Lâm An 23/01/2024 15:35

Nhiều cơ sở giáo dục đại học thông tin đề án tuyển sinh đại học 2024 dự kiến để thí sinh chủ động chuẩn bị các điều kiện phù hợp.

anhbaitren(3).jpg
Học sinh tham khảo tại Chương trình tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp 2024 ngày 21/1. Ảnh: Quang Vinh.

Giữ ổn định phương thức tuyển sinh

Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội thông tin, năm 2024 trường dự kiến tuyển 7.650 sinh viên, tăng 150 chỉ tiêu so với năm trước trong đó có chỉ tiêu của ngành mới mở là an toàn thông tin. Trường sử dụng 6 phương thức tuyển sinh, tương tự năm ngoái, trong đó dành 65% chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức còn lại gồm xét tuyển thẳng (không giới hạn chỉ tiêu); xét thí sinh đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và thí sinh có chứng chỉ quốc tế (8%); xét học bạ THPT (15%); xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội (6%) và điểm thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội (6%).

Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh, Trường Đại học Công thương TPHCM cho biết, năm 2024, trường giữ ổn định 7 phương án tuyển sinh như năm trước. Cụ thể, phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm 50 - 60% chỉ tiêu, xét tuyển bằng học bạ từ 20 - 30% chỉ tiêu (từ 20 điểm trở lên), khoảng 10 - 15% chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM...

Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy dự kiến năm 2024. Theo đó, Trường dự kiến tuyển sinh 12.500 chỉ tiêu trình độ đại học, tăng 2.600 chỉ tiêu theo 4 phương thức xét tuyển độc lập. Nguyên nhân tăng chỉ tiêu là trường dự kiến mở 7 ngành mới gồm: Kinh tế số, Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Kỹ thuật nhiệt, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ thẩm mỹ, Công nghệ tài chính. Trong đó, với phương thức xét tuyển học bạ, thí sinh lưu ý trường nhận hồ sơ học bạ theo từng đợt, đợt đầu tiên bắt đầu từ 3/1/2023.

Thí sinh yên tâm học tập

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho biết, năm 2024 các phương thức xét tuyển vẫn cơ bản giữ ổn định. Trong đó, mỗi trường đại học với đặc thù đào tạo của mình có thể điều chỉnh phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là quyền tự chủ của mỗi trường. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh cũng nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học, phải làm rõ được căn cứ khoa học, căn cứ thực tiễn của việc sử dụng phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển và các chỉ tiêu phân bổ.

Đối với việc các trường có sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ trong khi một số trường khác thông báo bỏ hẳn phương án xét tuyển bằng học bạ, bà Thủy cho rằng thí sinh không cần lo lắng sẽ đánh mất cơ hội. Dù xét tuyển hay đánh giá thí sinh bằng phương thức nào đi nữa cũng dựa vào kiến thức nền tảng, cốt lõi của thí sinh nên các em cứ yên tâm học và ôn tập theo định hướng của nhà trường, thầy cô.

Trước đó, Bộ GDĐT cũng yêu cầu các trường đánh giá, đối sánh kết quả học tập của sinh viên qua từng năm với các phương thức xét tuyển đầu vào thế nào để thấy được sự tương quan, từ đó có cơ sở điều chỉnh phương thức xét tuyển. Nên dù các trường điều chỉnh ra sao cũng phải dựa trên yếu tố chất lượng đầu vào vì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cả quá trình đào tạo cũng như chất lượng đầu ra, thương hiệu, uy tín của các trường với các bên liên quan. Với học bạ, đây là kết quả đánh giá quá trình học tập, không chỉ căn cứ vào 1 hay 2 cuộc thi nên vẫn là kênh thông tin quan trọng được nhiều trường đại học sử dụng để tuyển sinh.

TS Nguyễn Thanh Hiền - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội cho biết, trong năm 2024, trường áp dụng 4 phương thức xét tuyển. Trong đó ngoài phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2024, 3 phương thức riêng khác của Trường có sử dụng kết quả học bạ một tiêu chí điều kiện bên cạnh những tiêu chí tuyển sinh khác, nhằm đánh giá khách quan về quá trình học tập cấp THPT. Đồng thời, qua đó bước đầu tìm hiểu điểm mạnh trong năng lực khoa học, công nghệ dựa trên kết qủa học tập của các môn Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học và Tin học.

“Thí sinh nằm trong đối tượng tuyển thẳng cũng có kết quả thi tốt nghiệp rất cao, cho thấy ngưỡng điểm xét tuyển và các tiêu chí tuyển sinh nhà trường lựa chọn là thích hợp cho việc đánh giá phân loại năng lực thí sinh” - bà Hiền nói. Đồng thời cho biết, có đến 3/4 số thí sinh dự tuyển theo phương thức riêng của trường đáp ứng tiêu chuẩn tiếng Anh đầu vào của hệ 3 năm và 1/4 số thí sinh sẵn sàng tham gia hệ 4 năm, cho thấy tính phù hợp của phương thức tuyển sinh riêng khi lựa chọn được đối tượng phù hợp với các chương trình đào tạo của trường.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội nhắn gửi tới các thí sinh lớp 12 tập trung hoàn thành chương trình học THPT thật tốt. Sau đó nên lựa chọn đăng ký tham gia bài thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực phù hợp với điều kiện của mình để có được cơ hội tốt nhất khi đăng ký xét tuyển đại học. Việc trải nghiệm và làm quen với bài thi sớm cũng giúp các em có thể tự đánh giá được điểm mạnh, điểm chưa mạnh của bản thân đối với mỗi phần thi để có kế hoạch cải thiện năng lực tư duy của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học năm 2024: Nhiều trường tăng chỉ tiêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO