Giáo dục

Tuyển sinh đại học: Thờ ơ với điểm thi tốt nghiệp THPT

ĐOÀN XÁ 28/02/2024 07:05

Không căn cứ hoặc có chỉ tiêu rất ít cho số lượng thí sinh xét tuyển theo hình thức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, nhiều trường đại học ở phía Nam hiện nay đang ưu tiên các phương án xét tuyển, với yêu cầu chủ yếu là học bạ, điểm thi năng lực.

anhbaiduoi(3).jpg
Nhiều trường đại học tranh thủ tuyển sinh sớm tại các đợt tư vấn tuyển sinh. Ảnh: Đoàn Xá.

Nguyên nhân chủ yếu là do kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra khá muộn (gần nửa năm nữa mới thi) trong khi nhiều trường đại học (ĐH) lại muốn được tuyển sinh sớm.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, dù có tới gần 20 phương thức tuyển sinh ĐH được các trường áp dụng mấy năm qua nhưng cũng chỉ xoay quanh 3 yếu tố, gồm điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ và điểm thi đánh giá năng lực. Các phương án tuyển sinh sẽ được điều chỉnh tuỳ theo tỉ lệ, nhóm, phần trăm… căn cứ vào nhu cầu thực tế từng ngành đào tạo.

Trong năm 2024, ghi nhận từ các trường ĐH đã công bố phương án tuyển sinh cho thấy, các trường ưu tiên việc xét tuyển theo phương thức riêng và không “mặn mà” với điểm thi THPT khi tỉ lệ dành cho phương thức này đã giảm đáng kể.

Cụ thể, Trường ĐH Kinh tế TPHCM cho biết, năm 2024 trường dự kiến xét tuyển 7.900 chỉ tiêu cho 56 ngành đào tạo (bao gồm 630 chỉ tiêu đào tạo ở cơ sở Vĩnh Long). Trong đó, nhà trường dành từ 40 - 50% chỉ tiêu dành cho học sinh có điểm giỏi ở bậc THPT; tiếp đến là 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển quá trình học tập theo bộ môn; 105 chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM. Cuối cùng, dành 20 - 30% chỉ tiêu cho các thí sinh xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT.

Có số lượng chỉ tiêu chỉ 25% dành cho điểm thi tốt nghiệp THPT là Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM. Theo phương án tuyển sinh năm 2024, trường sẽ dành 25% trong tổng số 6.610 chỉ tiêu cho thí sinh nộp hồ sơ căn cứ điểm thi tốt nghiệp THPT. Còn phần lớn (gồm 70% chỉ tiêu) dành cho thí sinh xét tuyển học bạ THPT, học bạ lớp 12. Ngoài ra, một phần nhỏ khác dành cho các thí sinh ưu tiên, thí sinh thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM.

Có số lượng lớn hơn một chút là Trường ĐH Mở TPHCM khi nhà trường dành 40% chỉ tiêu trong tổng số 5.300 cho thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển thẳng. Ngoài ra, Trường ĐH Mở TPHCM cũng dành 20% số chỉ tiêu cho thí sinh sử dụng điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM và phần còn lại (40%) dành cho thí sinh xét tuyển theo hình thức riêng của trường.

Trong khi đó, dù không chia theo số lượng thí sinh theo từng phương thức như Trường ĐH Kinh tế TPHCM, Trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng khá “coi nhẹ” điểm thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa TPHCM sẽ tuyển sinh khoảng 5.000 chỉ tiêu với chủ yếu số thí sinh được đánh giá bằng phương thức tổng hợp (từ 60 - 90% chỉ tiêu). Theo phương thức này, nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả thi đánh giá năng lực, điểm học bạ THPT, điểm thi tốt nghiệp THTP, các chứng chỉ khác…. Trong đó, điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ có giá trị 25% điểm tổng hợp, còn chủ yếu là điểm thi đánh giá năng lực.

Có thể nói, dù là kỳ thi được gộp từ kỳ thi đại học và kỳ thi tốt nghiệp nhưng những năm gần đây, vai trò của kỳ thi tốt nghiệp THPT trong việc xét tuyển ĐH của các trường đã không còn được coi trọng. Các trường ĐH chỉ dành một phần nhỏ chỉ tiêu cho nhóm thí sinh có kết quả tốt của kỳ thi này. Ngoài nguyên nhân kỳ thi diễn ra muộn so với thời gian tuyển sinh của các trường ĐH thì điểm thi tốt nghiệp THPT thường được đánh giá không phân loại chính xác nhóm thí sinh khiến các trường gặp khó khi căn cứ vào điểm thi.

Được biết, vài năm gần đây tuyển sinh ở các trường ĐH phía Nam diễn ra khá gay gắt, cạnh tranh quyết liệt khiến các trường thường cố gắng thu hút thí sinh sớm, đưa là các phương án tuyển sinh mà thí sinh có thể biết chắc chắn sẽ trúng tuyển từ trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học: Thờ ơ với điểm thi tốt nghiệp THPT

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO