Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định, những thay đổi trong Quy chế thi THPT Quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên năm 2017 đang tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh so với các kỳ thi từ trước tới nay.
Ảnh minh họa. Nguồn: VTC.
Giảm áp lực khi tổ chức thi sớm hơn
Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT quốc gia 2017 diễn ra từ ngày 21/6 đến 24/6, sớm hơn 10 ngày so với năm 2016 (từ ngày 1/7 đến 4/7).
Cụ thể, trong ngày 21/6, sau khi họp cán bộ coi thi tại các điểm thi, chiều cùng ngày các thí sinh phải đến phòng thi nghe phổ biến quy chế, lịch thi và điều chỉnh các sai sót (nếu có).
Sáng 22/6, thí sinh dự môn thi đầu tiên là Ngữ văn, buổi chiều sẽ dự thi môn Toán.
Ngày 23/6, thí sinh tham gia bài thi tổ hợp môn Khoa học Tự nhiên vào buổi sáng, chiều dự thi môn Ngoại ngữ.
Trong sáng 24/6, các thí sinh sẽ dự thi bài thi tổ hợp môn Khoa học Xã hội.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, việc tổ chức sớm kỳ thi sẽ khiến cho thí sinh tránh được thời tiết không thuận lợi vào tháng 7.
Hơn nữa, việc này cũng tạo tâm lý thoải mái cho học sinh vừa kết thúc các môn học trong chương trình THPT.
Kiến thức mà các học sinh tiếp nhận tại thời điểm đó còn mới, nên việc sử dụng cũng như ghi nhớ những dữ liệu hoàn toàn đủ để các thí sinh vượt qua kỳ thi dễ dàng hơn.
Cũng theo ông Ga, quy chế thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ ổn định trong những năm tiếp theo.
Văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế thi sẽ được ban hành hàng năm để phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế. Các thông tin chi tiết về kỳ thi sẽ có trong hướng dẫn thi được Bộ GD&ĐT ban hành trong một vài ngày tới.
Thí sinh nên đăng ký tối đa 3 trường
Điểm mới của mùa tuyển sinh năm 2017 là trong xét tuyển đợt 1 được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) cùng với thời gian đăng ký dự thi.
Thí sinh không bị giới hạn số nguyện vọng, số trường khi ĐKXT. Trước đó, năm 2015 và 2016 thực hiện ĐKXT sau.
Bộ GD&ĐT giải thích, việc này giúp cho thí sinh vừa có thông tin tham khảo về mức ĐKXT để cố gắng phấn đấu, vừa có quyền chốt ĐKXT sau khi biết điểm thi. Nếu thí sinh thấy cần thiết vẫn có cơ hội điều chỉnh nguyện vọng. Còn, đối với các trường, khi có thông tin về việc ĐKXT của thí sinh cũng sẽ xác định phương án tuyển sinh phù hợp.
Năm nay, với việc các sở GD&ĐT tham gia sâu hơn vào công tác tuyển sinh sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh trong việc liên lạc, sửa sai, bổ sung, điều chỉnh đăng ký xét tuyển.
Không những thế, cơ sở dữ liệu về tuyển sinh cũng được các trường và Bộ GD&ĐT cập nhật lên phần mềm nhập liệu nên sai sót sẽ được phần mềm báo lỗi.
Để việc tham gia ĐKXT năm 2017 của thí sinh tránh gặp sai sót, Bộ GD&ĐT khuyên các em cần xác định ngành nghề mà mình yêu thích.
Khi chọn ngành, thí sinh lưu ý đến sở trường, có khả năng và mong muốn được làm việc. Sau đó thí sinh xác định những trường đang đào tạo ngành nghề đó để lựa chọn từ 1 đến 3 trường phù hợp.
Chẳng hạn, một trường ở mức cao hơn khả năng có thể đạt được để phấn đấu; một trường ở mức trung bình, bằng với khả năng của thí sinh. Trường còn lại ở mức hơi thấp hơn khả năng của thí sinh để đề phòng rủi ro.
Một điều thí sinh không nên bỏ qua đó là tham khảo điểm trúng tuyển vào ngành của trường trong 2 - 3 năm gần nhất. Tuy nhiên, việc cần nhất là thí sinh phải tập trung học và luyện tập tốt để đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Được điều chỉnh nguyện vọng 1 lần duy nhất
Dù không giới hạn nguyện vọng nhưng các nguyện vọng của thí sinh được sắp theo thứ tự ưu tiên. Vì vậy, sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT trong thời hạn quy định và được xét trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chỉ được một lần duy nhất trong thời gian quy định, bằng phương thức trực tuyến hoặc trực tiếp tại nơi đăng ký dự thi.
Trong các đợt xét tuyển bổ sung, thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển theo quy định của trường.
Năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh để hỗ trợ thí sinh và các trường trong công tác tuyển sinh.
Bao gồm các thông tin về chỉ đạo điều hành tuyển sinh, cơ sở dữ liệu về kết quả kỳ thi THPT quốc gia, đề án tuyển sinh/điều kiện tuyển sinh của các trường, hệ thống nhập dữ liệu thống kê nguyện vọng của thí sinh và các thông tin khác cần thiết phục vụ cho tuyển sinh.
Các trường được xét tuyển theo nhóm
Theo Quy chế mới, các trường có thể thực hiện nhiều đợt tuyển sinh trong năm. Bộ GD&ĐT tiếp tục tạo điều kiện để các trường được tự nguyện phối hợp thành nhóm trường để thực hiện xét tuyển.
Đồng thời, các trường được khai thác thông tin của trường/nhóm trường mình và của các trường/nhóm trường khác có liên quan trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT để dự kiến điểm trúng tuyển, cũng như danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường/nhóm trường.
Để giảm lượng thí sinh ảo, các trường sẽ được nhập lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT danh sách thí sinh trúng tuyển dự kiến để hệ thống tự động loại bỏ những nguyện vọng thấp của thí sinh để giữ lại nguyện vọng cao nhất của thí sinh.
Quy chế tuyển sinh mà Bộ GD&ĐT vừa công bố cũng nêu rõ, điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Các trường tự chịu trách nhiệm về thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh.