Trên tinh thần tự chủ, trong những năm tới đây, việc tuyển sinh đại học sẽ không phụ thuộc nhiều vào điểm thi tốt nghiệp THPT, thậm chí một số trường có xu hướng không còn xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trước thực trạng kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm tổ chức tốn kém, kéo theo sự vào cuộc của nhiều lực lượng, nhiều bộ, ngành; đặc biệt, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao, nhiều ý kiến đặt ra, kỳ thi tốt nghiệp THPT cần thay đổi như thế nào cho phù hợp trong tình hình mới?
Giảm tỉ lệ xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp
Nếu như các năm trước đây, các trường đại học đều dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển từ kết quả thi tốt nghiệp THPT thì năm nay nhiều trường, đặc biệt là các trường tốp đầu đã giảm mạnh chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức này và tăng chỉ tiêu xét tuyển riêng.
Năm 2022, Trường Đại học Kinh tế quốc dân dành 35% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT. So với năm 2021, chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này giảm mạnh.
Từ năm 2023, trường dự kiến không tuyển sinh theo phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và các phương thức khác, chỉ tuyển sinh theo phương thức xét tuyển kết hợp/xét tuyển sớm với 100% chỉ tiêu sau khi trừ đi số thí sinh diện tuyển thẳng theo quy chế.
Với phương thức xét tuyển kết hợp mà trường sẽ dùng để tuyển sinh vào năm 2023, các đối tượng xét tuyển gồm thí sinh có chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT); thí sinh thi đánh giá năng lực của 2 Đại học Quốc gia; thí sinh có chứng chỉ quốc tế chiếm 70%. Các đối tượng còn lại là 30%.
Lý giải về xu hướng này, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, việc sử dụng các phương thức xét tuyển kết hợp sẽ giúp trường đảm bảo được chất lượng đầu vào và tuyển được các thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường.
Tương tự, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng có thay đổi đáng kể về tỉ lệ các chỉ tiêu trong mùa tuyển sinh năm nay. Trong đó, trường chỉ dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp. Đồng thời, tăng chỉ tiêu cho kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong lộ trình những năm tới, trường dự kiến không sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT khi xét tuyển sinh đầu vào một số ngành cạnh tranh cao như Tự động hóa, Công nghệ thông tin..., thay vào đó là dành toàn bộ chỉ tiêu cho thi đánh giá tư duy.
TS Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng cho rằng, việc các trường giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp sẽ có bất lợi nhất định cho các thí sinh. Điểm chuẩn bằng phương thức này sẽ cao lên. Tuy nhiên, cũng có nhiều điểm lợi khi các trường đại học đa dạng các phương thức xét tuyển.
Cần thay đổi công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT
Việc các trường giảm dần chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT cho thấy, kết quả của kỳ thi không còn là điều kiện đủ để bảo đảm chất lượng đầu vào. Theo lãnh đạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đề thi tốt nghiệp THPT mấy năm gần đây dường như đang thiếu tính phân loại, nên nếu chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thuần túy sẽ khá khó để tuyển sinh được những thí sinh tốt nhất.
Những năm qua, kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh có sự thay đổi. Từ năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi THPT quốc gia được chuyển thành kỳ tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là xét công nhận tốt nghiệp, nên đề thi có phần “nhẹ” hơn, tính phân loại không cao.
Trong khi đó, mỗi năm kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra tổ chức tốn kém, kéo theo sự vào cuộc của nhiều lực lượng, bộ, ngành; đặc biệt, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp luôn đạt ở mức rất cao, tăng dần: năm 2020 là 98,34%; năm 2021 là 99,37%.
Trước tình trạng này, hiện nay nhiều người đang đặt câu hỏi, có nên tiếp tục tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT hay không, thay vào đó là tổ chức kỳ thi đại học để bảo đảm chất lượng tuyển sinh?
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nêu quan điểm, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ là một chuẩn chung để đánh giá kết quả dạy học sau 12 năm bậc phổ thông nên ông không đồng tình với những ý kiến cho rằng bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Với kinh nghiệm nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, TS Lê Viết Khuyến nhìn nhận, việc tổ chức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay đỡ tốn kém và phiền hà cho phu huynh, học sinh hơn là tổ chức một kỳ thi đại học.
Trước đây, khi các trường tổ chức kỳ thi đại học, học sinh, phụ huynh nhất là những người ở địa phương khác phải mất nhiều công sức, tiền bạc để đến các trường đại học dự thi, kéo theo nhiều hệ lụy như tai nạn giao thông, tình trạng “chặt chém” giá tàu xe, nhà trọ... Chính vì những bất cập này, kỳ thi đại học bị hủy bỏ, thay vào đó là một kỳ thi tốt nghiệp mang tính chất quốc gia như hiện nay.
TS Lê Viết Khuyến cho rằng, thời gian tới, công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT cần đổi mới phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, chuyên gia này nhấn mạnh tới khâu đề thi, cần có sự tính toán ngân hàng câu hỏi để tăng độ phân hóa.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, Bộ đã có lộ trình để chỉ đạo các đơn vị trong Bộ xây dựng các phương án thi cho những năm tới, đặc biệt là giai đoạn thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ông Phong cũng cho hay, hiện nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Luật Giáo dục 2019, thí sinh sau khi thi tốt nghiệp THPT thì được xét tốt nghiệp. Bộ GDĐT đang lên kế hoạch để có phương án thi tốt nhất, phù hợp với chương trình đổi mới giáo dục.