Xét tuyển vào đại học (ĐH) bằng điểm học bạ được coi là phương thức thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường, giảm bớt áp lực thi cử. Tuy nhiên, một vài mùa tuyển sinh gần đây, việc gia tăng xét tuyển bằng điểm học bạ cũng khiến dư luận lo lắng về nguy cơ “làm đẹp học bạ”, về lâu dài có thể ảnh hưởng tới chất lượng đầu vào.
Điểm xét tuyển học bạ vượt ngưỡng 30
Đến thời điểm này đã có hơn 70 trường ĐH công bố điểm chuẩn xét học bạ để thí sinh cân nhắc, lựa chọn nguyện vọng khi đăng ký xét tuyển ĐH. Trường ĐH Ngoại thương đã công bố điểm chuẩn xét tuyển sớm của hai phương thức kết hợp liên quan đến học bạ. Đó là xét học bạ bậc THPT với 3 nhóm thí sinh, gồm tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là HS trường chuyên. Phương thức hai là xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế với học bạ hoặc SAT, ACT. Ngưỡng trúng tuyển thấp nhất là 24 điểm, các ngành và phương thức khác chủ yếu lấy điểm chuẩn 25-29. Một số chương trình lấy điểm chuẩn từ 30 tới 30,5; đều áp dụng với thí sinh xét học bạ và có giải học sinh giỏi.
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội có 3 ngành có mức điểm chuẩn vượt trần 30,5 điểm theo phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT là báo chí, luật và quản trị dịch vụ du lịch - lữ hành. Chuyên ngành văn hóa truyền thông cũng có điểm chuẩn 30.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM xét học bạ với thí sinh trường chuyên có mức điểm chuẩn 28,5 gồm công nghệ thông tin (đại trà), logistic và quản lý chuỗi cung ứng (đại trà). Xét học bạ với thí sinh trường top 200, công nghệ thông tin, logistic và quản lý chuỗi cung ứng (đại trà) ở mức 28,75. Xét học bạ với thí sinh các trường còn lại, nhiều ngành đại trà có điểm chuẩn ở mức 29,75 như: Kinh doanh quốc tế, thương mại điện tử, công nghệ thông tin, logistic và quản lý chuỗi cung ứng…
Thí sinh xét học bạ THPT vào Học viện Ngân hàng phải đạt từ 26 đến 28,25 điểm tùy ngành đồng thời phải thỏa mãn điều kiện học lực năm lớp 12 đạt loại giỏi.
Hàng loạt các trường ĐH, trong đó có cả những trường top đầu tuyển sinh bằng phương thức xét điểm học bạ kết hợp với các điều kiện khác. Tùy từng trường, từng ngành học và hệ đại trà, chất lượng cao, liên kết… mà các trường quy định ngưỡng điểm chuẩn khác nhau.
Tuy nhiên, so với năm 2021, điểm chuẩn học bạ năm nay tăng cao và rất cao ở nhiều trường, đặc biệt ở các ngành “hot”. Ngoài lý do số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển tăng lên, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM cho rằng, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) thực hiện lọc ảo chung trên một hệ thống, tất cả thí sinh dù trúng tuyển bằng phương thức nào cũng đều đăng ký trên hệ thống nên các trường không gọi vượt chỉ tiêu như các năm trước, dẫn đến điểm chuẩn tăng lên.
Một nguyên nhân khác khiến điểm chuẩn học bạ tăng là do điểm học bạ của thí sinh tăng mạnh. Không ít trường hợp điểm trung bình lớp 10 chỉ 6,0 nhưng trung bình lớp 12 lại đạt gần 9,0.
Vì điểm học bạ do các trường phổ thông xác nhận nên các trường ĐH cũng chỉ biết căn cứ vào đó xét tuyển, kết hợp thêm các điều kiện khác nên mới dẫn đến tình trạng 29, 30 điểm học bạ mới đỗ ĐH.
Nghịch lý học bạ đẹp, điểm thi thấp
Nhìn vào điểm trúng tuyển bằng học bạ của nhiều trường sẽ thấy cao hơn so với điểm chuẩn của phương án xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Thậm chí, có những ngành để trúng tuyển thí sinh phải đạt mức tuyệt đối là 30 điểm hoặc hơn do có cả điểm cộng ưu tiên với thí sinh đạt giải quốc gia, chứng chỉ quốc tế… Tuy nhiên, soi vào bảng điểm phổ thông của những thủ khoa, á khoa ở nhiều khối thi đã được công bố các năm qua, việc đạt tổng kết 3 môn học ở mức tuyệt đối cũng hiếm khi xảy ra. Câu hỏi đặt ra là những thí sinh có học bạ “đẹp như mơ” có kết quả thi tốt nghiệp THPT ra sao?
Trên thực tế, nghi vấn làm đẹp học bạ không phải là vấn đề mới đặt ra đối với ngành giáo dục. Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 đã được công bố và nhiều tỉnh, thành có mức điểm học bạ chênh lệch nhiều so với điểm thi tốt nghiệp THPT như Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên…
Trước đó, các địa phương cũng công bố điểm thi vào lớp 10 THPT. Sự “vênh” nhau giữa điểm thi và điểm học bạ không chỉ xảy ra ở những địa phương vùng xa, vùng khó mà ngay tại khu đô thị lớn như TPHCM, điểm thi vào lớp 10 của một số em cũng thấp dưới mức tưởng tượng khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về vấn đề “học thật, dạy thật, thi thật”.
Năm học 2020-2021, Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) thông báo kết quả tuyển sinh lớp 6 hệ chất lượng cao với không ít thí sinh có điểm 3 bài thi rất thấp, trong đó có em chỉ đạt 0,75 điểm môn Toán, trong khi điểm tổng kết trong học bạ rất cao, thậm chí đạt 10 điểm tuyệt đối.
Hàng loạt những nghi vấn về “cấy” điểm học bạ từ cấp tiểu học, THCS đến THPT khiến cho dư luận lo ngại về việc xét tuyển vào ĐH bằng học bạ có thực sự khách quan, công bằng?
Nhận định về điều này, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, sử dụng phương án xét tuyển nào là quyền tự chủ tuyển sinh của mỗi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng giữa các thí sinh vì có nơi thầy cô nới tay, nơi khác lại “làm chặt”, các đề kiểm tra mức độ khó dễ khác nhau… trường ĐH cũng cần có thêm các tiêu chí khác để xét tuyển, không chỉ căn cứ vào mỗi học bạ THPT. Chẳng hạn, có thể đối sánh giữa điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ như cách Bộ GDĐT đã làm nhưng ở cấp độ cụ thể từng thí sinh, nếu quá chênh lệch thì hủy kết quả xét tuyển học bạ. Điều này cũng giúp đảm bảo chất lượng đầu vào của nguồn tuyển - yếu tố quan trọng để giữ vững và nâng cao thương hiệu đào tạo của nhà trường.
PGS. TS Lê Đình Tùng - Phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, nhà trường vẫn chưa áp dụng phương thức xét tuyển dựa vào học bạ mà vẫn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT. Mặc dù đã có nhiều đề xuất về các phương án xét tuyển khác nhau nhưng trường cần phân tích thêm kết quả trong học tập sinh viên trúng tuyển vào trường theo các phương thức khác nhau. Trên cơ sở đó theo dõi 5-10 năm mới đề xuất giải pháp phù hợp.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường ĐH FPT:
Chủ động điều chỉnh giảm điểm học bạ
Nhiều năm nay Trường ĐH FPT vẫn tuyển sinh theo phương thức xét tuyển bằng học bạ THPT. Tuy nhiên, chỉ những thí sinh đạt xếp hạng thuộc TOP40 được thực hiện trên công cụ tra cứu xếp hạng học tập SchoolRank mới đủ điều kiện xét tuyển vào trường.
Trang xếp hạng học sinh THPT SchoolRank được Trường ĐH FPT phát triển dựa trên phương pháp luận ATAR. ATAR (Australian Tertiary Admission Ranking) là công cụ đo thứ hạng học sinh toàn Australia hàng năm. Xếp hạng ATAR là một trong những cơ sở để xét tuyển đầu vào của trường ĐH. Trường đại học có thứ hạng càng cao thì càng yêu cầu thí sinh có mức xếp hạng cao hơn theo đánh giá của thang ATAR.
Hàng năm nhà trường có tham khảo đối sánh kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả học bạ học sinh của Bộ GDĐT để điều chỉnh điểm khi xếp hạng Schoolrank với những trường có kết quả quá chênh lệch.
Đó là chưa kể điểm trung bình 9,0 ở tỉnh này sẽ không tương đồng với 9,0 ở tỉnh khác. Kết quả học phổ thông không có thang đánh giá chung nên kết quả rất khác nhau ở mỗi trường, từng tỉnh, thành khác nhau. Kinh nghiệm cho thấy các tỉnh vùng sâu, vùng xa thường có kết quả thi tốt nghiệp THPT chênh lệch nhiều so với kết quả học bạ và so với thành phố lớn.
Do đó chúng tôi chủ động điều chỉnh giảm điểm học bạ của thí sinh các tỉnh này khi xét tuyển. Thường những học sinh đạt 4 điểm thì thầy cô có thể nâng lên 5 điểm để đạt trung bình. Em 5 điểm sẽ được nương để lên 6, em 6 sẽ lên 7...
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GDĐT:
Thêm tiêu chí phụ
Cần hiểu đúng cách tính và bản chất điểm xét tuyển và điểm chuẩn tính theo học bạ. Điểm xét tuyển này thông thường được các trường xem xét cộng thêm một số điều kiện ưu tiên khác như chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ quốc tế, điểm ưu tiên khu vực/đối tượng… Do đó, khi quy đổi ra thang điểm 30 thì một số ngành có điểm chuẩn vượt 30 điểm.
Một số ý kiến cho rằng xét tuyển theo học bạ không đánh giá được năng lực thí sinh, tôi cho rằng các trường có thể đánh giá năng lực thí sinh dựa trên tổng hòa nhiều yếu tố, không chỉ xét riêng mỗi kết quả học tập bậc THPT (học bạ). Các trường thường xem xét đến các điều kiện khác, tiêu chí phụ khác đi kèm học bạ. Việc các trường ĐH lựa chọn xét tuyển theo phương thức nào là tùy thuộc vào chương trình đào tạo, yêu cầu đầu vào của mỗi chương trình đào tạo.
Do đó, việc này hãy để tự các trường ĐH đánh giá và lựa chọn được ứng viên phù hợp cho quá trình đào tạo. Tự chủ trong tuyển sinh cũng là quyền của các trường theo luật định, đồng thời cũng cần tuân thủ quy chế tuyển sinh mà Bộ GDĐT đã ban hành nhằm bảo đảm yêu cầu về chất lượng đào tạo, về tính minh bạch, công bằng, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và nền kinh tế - xã hội.