Giáo dục

Tuyển sinh lớp 1, lớp 6 theo nguyên tắc gần nhà

Thu Hương 20/05/2025 11:40

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến sẽ bỏ tuyển sinh lớp 1, 6 theo địa giới hành chính, áp dụng nguyên tắc đi học gần nhà từ năm học 2026-2027.

tren.png
Học sinh Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Thuận lợi cho người dân

Tại cuộc làm việc với tỉnh Quảng Ninh ngày 15/5, Bộ trưởng GDĐT Bộ Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ năm học 2026 - 2027, chính sách tuyển sinh đầu cấp sẽ thay đổi trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương không còn thực hiện tuyển sinh theo địa giới hành chính (hay còn gọi là theo tuyến) như hiện nay. Thay vào đó, sẽ áp dụng nguyên tắc tuyển sinh đảm bảo học sinh được học trường gần nhất với nơi ở thực tế.

Điều này được các chuyên gia tuyển sinh đánh giá là phù hợp trong bối cảnh nước ta đang sắp xếp lại đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền 2 cấp. Khi đó, ước tính mỗi xã, phường trên cả nước sẽ có trung bình 7.000 học sinh. Các trường mầm non, tiểu học và THCS sẽ chuyển từ cấp huyện về xã quản lý. Trong khi đó, dự kiến chỉ có 2 công chức quản lý giáo dục cấp xã.

Đối với người dân, phần lớn đều mong muốn con em được đi học gần nhà để thuận tiện cho việc đi lại. Tuy nhiên, việc phân tuyến tuyển sinh theo địa giới hành chính như trước đây đã xảy ra trường hợp nhà ở khu vực giáp ranh giữa hai phường, xã nên sẽ cách trường đúng tuyến khá xa còn trường gần nhà hơn lại trở thành trái tuyến.

Chị Mỹ Ngọc (Khu đô thị Tứ Hiệp Plaza, xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ rằng, dù nhà chị chỉ cách Trường Tiểu học Tứ Hiệp một đoạn ngắn, con chị hoàn toàn có thể đi bộ đến trường, nhưng theo phân tuyến tuyển sinh trước đây, cháu lại được phân về Trường Tiểu học Ngô Sĩ Kiện (cùng huyện Thanh Trì). “Suốt 5 năm con học tiểu học, gia đình tôi phải thuê người đón vì trường nằm ngược đường đi làm của bố mẹ. 3 năm sau, đến lượt con thứ hai đi học thì được phân về Trường Tiểu học Tứ Hiệp. Nhờ đó, các cháu cùng tầng có thể rủ nhau đi học và tự đi bộ về sau giờ tan học, rất thuận tiện.”

Từ thực tế đó, chị Ngọc bày tỏ sự đồng tình với chủ trương phân tuyến dựa trên khoảng cách địa lý: “Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tuyển sinh dựa theo nguyên tắc gần nhà, đặc biệt với học sinh mầm non và tiểu học - các cháu còn nhỏ, dù tự đi học hay có người đưa đón thì cũng nên ưu tiên học gần nhà để giảm thời gian di chuyển, tránh kẹt xe và bảo đảm an toàn”.

Minh bạch với học sinh trái tuyến

Thực tế, phân tuyến tuyển sinh lâu nay còn do cơ sở vật chất trường gần nhà không đủ đáp ứng số học sinh trên địa bàn, nên một số cháu phải học trường xa hơn. Cử tri xã Cự Khê (huyện Thanh Oai, Hà Nội) nhiều năm kiến nghị UBND thành phố quan tâm giải quyết tình trạng quá tải các trường công lập khiến học sinh phải đi học xa nhà. Phường Phương Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cũng gặp khó khăn trong phân tuyến do số trường công lập không đủ đáp ứng nhu cầu, khiến một số khu vực phải học xa nhà.

Chính vì vậy, khi thực hiện chủ trương tuyển sinh theo nguyên tắc gần nhà, việc tăng cường trường lớp tại các khu vực đông dân cư trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm giảm quá tải và tạo điều kiện cho học sinh được học tập thuận lợi tại môi trường gần nơi cư trú. Điều này đòi hỏi chính quyền địa phương phải vào cuộc quyết liệt trong công tác quy hoạch xây dựng, trong đó cần xác định rõ: xây nhà phải đồng bộ với xây trường.

Hà Nội cũng cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để từ năm học 2026 - 2027 sẽ áp dụng công nghệ bản đồ GIS trong tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 theo nguyên tắc gần nhà. Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, việc ứng dụng GIS sẽ giúp tính toán chính xác khoảng cách từ nơi cư trú đến trường, đảm bảo học sinh được học ở điểm trường gần nhất. Qua đó, phụ huynh sẽ thuận tiện hơn trong việc đưa đón con, đồng thời góp phần giảm áp lực giao thông. Tuy nhiên, với một số khu vực như phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), do nguy cơ quá tải, trước mắt chưa thể áp dụng theo bản đồ định vị mà vẫn phải thực hiện phân vùng, chia tuyến như hiện nay.

Từ kinh nghiệm triển khai tuyển sinh theo phương án này từ năm 2023, TPHCM đã rút ra một số lưu ý nhằm đảm bảo quá trình tuyển sinh diễn ra thuận lợi và minh bạch. Cụ thể, toàn bộ quy trình tuyển sinh các lớp đầu cấp được thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến, từ khâu đăng ký đến khi xác nhận trúng tuyển, bảo đảm tuân thủ đúng mô hình và nguồn dữ liệu đã được Sở GDĐT thống nhất với các đơn vị liên quan.

Về đối tượng tuyển sinh, sẽ chia thành hai nhóm: Đối tượng 1 là học sinh có “nơi ở hiện tại” thuộc địa bàn tuyển sinh và nằm trong độ tuổi quy định; Đối tượng 2 là học sinh không cư trú thực tế trên địa bàn nhưng thuộc các trường hợp đặc thù theo quy định. Đối với nhóm đối tượng 2, Ban Chỉ đạo tuyển sinh các quận, huyện sẽ ban hành tiêu chí xét tuyển học sinh trái tuyến, xác định rõ thứ tự ưu tiên các trường hợp đặc thù, bảo đảm tính minh bạch, công bằng, phù hợp với thực tế và được công khai trên cổng thông tin chính thức. Cần lưu ý, những trường hợp không thuộc diện ưu tiên sẽ được xem xét sau cùng, căn cứ vào chỉ tiêu còn lại của các trường và quyết định của Ban Chỉ đạo tuyển sinh đầu cấp tại địa phương.

Chẳng hạn, học sinh muốn đăng ký học trái tuyến lớp 1, lớp 6 tại quận 3 (TPHCM) cần chú ý những tiêu chí khi xét thứ tự ưu tiên như: học sinh có cha hoặc mẹ là công chức, viên chức làm việc trong các tổ chức, doanh nghiệp tại quận 3; học sinh có nơi ở hiện tại theo VNeID thuộc khu vực giáp ranh giữa quận 3 và các quận lân cận nhưng không quá 1.000m.

Như vậy, để đảm bảo công bằng, minh bạch trong công tác tuyển sinh đầu cấp cũng như giảm thiểu tối đa việc khiếu nại liên quan đến nội dung này, Sở GDĐT TPHCM cho rằng cần xác nhận thông tin sớm, hỗ trợ các địa phương chủ động rà soát dữ liệu trước khi ban hành kế hoạch tuyển sinh, hạn chế tình trạng thay đổi nơi cư trú sau khi có kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh lớp 1, lớp 6 theo nguyên tắc gần nhà