Tuyển sinh ngành đặc thù nhưng không có môn đặc thù – Bài 2: 'Vượt rào’ chạy theo số lượng?

Hoàng Chiến 26/03/2022 08:00

Dù được coi là những đổi mới trong phương thức tuyển sinh nhằm tăng cơ hội và khả năng trúng tuyển cho thí sinh, thế nhưng các chuyên gia đầu ngành về giáo dục nhận định, các trường ĐH đang dần “cạn” nguồn tuyển sinh nên xu hướng mở rộng tổ hợp xét tuyển là tất yếu.

Cuộc chạy đua chỉ tiêu

Theo đề án tuyển sinh năm 2022 của nhiều trường Đại học (ĐH) trên cả nước, một số ngành đặc thù đang mở rộng tổ hợp xét tuyển mà không cần dùng đến môn đặc thù. Cụ thể, khối ngành sức khoẻ như y, dược không cần xét tuyển đến môn Sinh học; khối ngành thiết kế, mỹ thuật… không cần có môn Vẽ trong tổ hợp xét tuyển.

Ảnh minh hoạ: Quang Vinh.

PV Đại Đoàn Kết Online đã có những trao đổi với các chuyên gia đầu ngành về giáo dục nhận định về tình trạng này.

Theo đó, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Khuyến học Việt Nam nhận định: “Rõ ràng việc tuyển sinh các ngành đặc thù nhưng không cần đến xét tuyển môn đặc thù như các trường đang làm là mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp các trường đua nhau làm vậy vì nguồn tuyển sinh đang cạn dần, nhất là khi cách thức tuyển sinh này đang dần trở thành xu hướng”.

GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Hội Khuyến học Việt Nam.

Theo phân tích của chuyên gia, các trường khi đưa ra đề án tuyển sinh này chắc chắn đều đã có những tính toán cụ thể. Tuy nhiên việc mở rộng tổ hợp xét tuyển theo kiểu “trăm hoa đua nở” như hiện nay thì việc cạnh tranh để có được thí sinh cũng là một trong những khó khăn của các trường ĐH nhằm đảm bảo số lượng đầu vào.

Do đó, có thể đánh giá chung rằng, việc không dùng đến các môn đặc thù trong tuyển sinh các khối ngành sức khoẻ hay thiết kế đều khiến cho cơ hội trúng tuyển của thí sinh dễ dàng, “dễ thở” hơn trước. Nhưng mở rộng cơ hội cho người học hay cơ hội tuyển sinh cho các trường ĐH thì vẫn còn là dấu hỏi lớn, chuyên gia giáo dục nhận định.

Việc tự chủ trong đề án tuyển sinh của trường ĐH rõ ràng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho thí sinh, tuy nhiên chuyên gia cũng bày tỏ băn khoăn khi công tác đào tạo ra sao với nguồn đầu vào khối ngành đặc thù này để đảm bảo về chất lượng đầu ra.

“Do vậy, các trường ĐH cần phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về khâu tuyển sinh đầu vào cũng như chất lượng đầu ra. Bởi nếu liên tục chạy theo số lượng đầu vào mà không tính toán đến công tác đào tạo, rất dễ dẫn đến nhiều hệ luỵ về sau, đặc biệt là khó khăn trong quá trình học tập của sinh viên khi không có những tố chất cần thiết”,chuyên gia cho biết.

Vì người học hay vì mục đích kinh tế?

Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam thẳng thắn nhận định, mở rộng xét tuyển các ngành đặc thù nhưng không có môn đặc thù như các trường ĐH đang làm hiện nay là một thiếu sót lớn.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Khẳng định với PV Đại Đoàn Kết Online, chuyên gia cho rằng: “Đối với các khối ngành đặc thù như sức khoẻ, mỹ thuật, nghệ thuật… nhất thiết phải có những bài kiểm tra, phỏng vấn, đánh giá… đặc thù để đánh giá năng lực và sự phù hợp với ngành nghề đó. Nếu không có các môn đặc thù trong xét tuyển những khối ngành đặc thù thì việc tuyển chọn đối tượng đầu vào rõ ràng là có vấn đề”.

Chuyên gia giáo dục cũng đánh giá, để có được nguồn nhân lực chất lượng, yếu tố tuyển chọn đầu vào là hết sức quan trọng, đặc biệt đối với các ngành đặc thù. Việc tuyển sinh kiểu ồ ạt như hiện nay một số trường ĐH đang làm chẳng khác nào tuyển sinh cho đủ chỉ tiêu, làm sao để có càng nhiều thí sinh càng tốt.

“Tuyển sinh ngành đặc thù như vậy không vì mục đích chất lượng mà vì mục đích kinh tế. Các trường cần xem xét lại sứ mệnh đào tạo của mình. Đào tạo ngành nghề gì thì phải tìm đúng nguồn “nguyên liệu” đầu vào tốt mới cho ra được nhân lực tốt phục vụ xã hội. Không phải chạy theo số lượng để đào tạo kiểu công nghiệp. Như vậy không những lãng phí nguồn nhân lực mà còn ảnh hưởng đến nền giáo dục nói chung”, chuyên gia nhấn mạnh.

Với việc tự chủ trong đề án tuyển sinh năm 2022 của các trường ĐH rõ ràng đang đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng đào tạo của các ngành đặc thù. Liệu đầu ra của các khối ngành này sẽ được đảm bảo ra sao, những hệ luỵ gì có thể xảy đến khi khối ngành đặc thù được tuyển sinh khá dễ dàng và "đại trà" như hiện tại?

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh ngành đặc thù nhưng không có môn đặc thù – Bài 2: 'Vượt rào’ chạy theo số lượng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO