Giáo dục

Tuyển sinh sau đại học: Không bỏ chất theo lượng

Thu Hương 11/01/2024 08:20

Nhiều cơ sở giáo dục đại học (ĐH) khó tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, nhất là sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành quy định về điều kiện dự tuyển đầu vào có nhiều thay đổi so với trước đó.

anhbaitren(2).jpg
Quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm. Ảnh: Minh Cứ.

Chật vật tuyển sinh

Thống kê của Bộ GDĐT những năm gần đây, chỉ tiêu tuyển sinh sau ĐH của nhiều cơ sở giáo dục ĐH sụt giảm nhưng vẫn không tuyển đủ. Năm học 2022 - 2023, tỷ lệ tuyển sinh thạc sĩ đạt 55,86%, tỷ lệ tuyển sinh tiến sĩ đạt 41,86%. Năm học 2020 - 2021, chỉ tiêu thạc sĩ của cả nước là hơn 56.000 nhưng chỉ tuyển sinh được trên 40.600 học viên (72,48%). Năm học 2019 - 2020, chỉ tiêu là hơn 59.500 nhưng chỉ tuyển được trên 41.500 học viên, đạt 69,7%.

Theo đánh giá của Bộ GDĐT, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ có xu hướng giảm mặc dù quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ của Bộ đã “mở” khi cho phép các cơ sở giáo dục ĐH xét tuyển, tuyển sinh nhiều đợt trong năm, một số trường vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể, phương thức tuyển sinh trình độ thạc sĩ do cơ sở đào tạo quyết định, gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa 2 hình thức. Cơ sở giáo dục cũng được tổ chức tuyển sinh trực tuyến khi đáp ứng những điều kiện đảm bảo chất lượng, để kết quả đánh giá tin cậy như tuyển sinh trực tiếp.

Thống kê hiện cả nước có hơn 140 cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ và gần 180 cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, với quy mô đào tạo hơn 13.500 nghiên cứu sinh và hơn 105.000 học viên cao học. Bên cạnh các chương trình thạc sĩ, tiến sĩ của các cơ sở giáo dục trong nước đào tạo, nhiều chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài được Bộ GDĐT cấp phép giúp người học có đa dạng sự lựa chọn.

Tuy nhiên, để tránh đào tạo tràn lan, dễ dãi, Bộ GDĐT đã ban hành quy định về điều kiện dự tuyển đầu vào đối với các trình độ này. Cụ thể, thí sinh ngoài việc đáp ứng các yêu cầu của chương trình đào tạo, cần phải có minh chứng về năng lực ngoại ngữ (tối thiểu bậc 3 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam đối với trình độ thạc sĩ và tối thiểu bậc 4 đối với trình độ tiến sĩ) và hoàn thành các học phần bổ sung kiến thức (nếu có) trước khi đăng ký dự tuyển. Điều này dẫn đến số lượng thí sinh đăng ký dự thi thạc sĩ và tiến sĩ bị giảm.

Chất lượng đào tạo là giá trị cốt lõi

Tại ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2023 đã triển khai các phương thức tuyển sinh sau ĐH bằng hình thức thi tuyển truyền thống, đánh giá năng lực và xét tuyển. Trường ĐH Khoa học Tự nhiên triển khai lần đầu tiên tuyển sinh theo đề án mới kết hợp xét hồ sơ và phỏng vấn thí sinh.

Năm 2023, ĐH Quốc gia Hà Nội có 2.078 thí sinh đủ điều kiện dự tuyển trình độ thạc sĩ và 372 thí sinh đủ điều kiện dự tuyển trình độ tiến sĩ. Theo PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Đào tạo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo tuyển sinh của ĐH Quốc gia Hà Nội, đến nay đây là đơn vị duy nhất trong cả nước vẫn yêu cầu nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận án phải có công bố quốc tế. Đây là một yêu cầu cao về chuẩn đầu ra trong đào tạo nghiên cứu sinh tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nhìn vào số liệu thống kê cho thấy trong bối cảnh công tác tuyển sinh sau ĐH của các trường ĐH trong toàn quốc đều đang gặp khó khăn, đơn vị này vẫn thu hút được lượng thí sinh tham dự tuyển sinh sau ĐH rất cao so với mặt bằng chung trong cả nước.

Lý giải điều này, ông Tuấn cho biết ĐH Quốc gia Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách học bổng có giá trị dành cho trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Đặc biệt là học bổng hỗ trợ nghiên cứu sinh nhằm thu hút, khuyến khích người học có thành tích, năng lực nghiên cứu tham gia các chương trình đào tạo tiến sĩ; góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học của các nghiên cứu sinh trong các chương trình đào tạo tiến sĩ.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh - thành viên tổ tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia giai đoạn 2016 - 2021, tuyển sinh sau ĐH là đào tạo ra những chuyên gia có năng lực nghiên cứu khoa học, khám phá tri thức mới để đóng góp cho việc nâng cao chất lượng đào tạo đại học, năng lực nghiên cứu khoa học của đất nước. Không thể phổ cập đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nên việc Bộ GDĐT ban hành chuẩn quy định đầu vào đối với bậc học này là hoàn toàn phù hợp. Trong thời gian tới, Bộ cần tiếp tục xây dựng tiêu chuẩn khung đánh giá luận văn, luận án dựa vào Khung trình độ quốc gia Việt Nam, tiêu chuẩn việc làm của giáo viên hướng dẫn.

Một số ý kiến cho rằng, để nâng chất lượng tuyển sinh, đào tạo sau đại học, các trường cần chủ động thay đổi các phương thức tuyển sính. Đơn cử, thay vì cách thi truyền thống có thể chuyển sang đánh giá hồ sơ và phỏng vấn hiện đang được các trường ĐH hàng đầu trên thế giới áp dụng. Điều này giúp bao quát tổng quan năng lực học tập, kinh nghiệm công tác cũng như khả năng nghiên cứu khoa học của thí sinh, đồng thời có thể đánh giá kiến thức chuyên môn của mỗi chuyên ngành, cùng với kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm xử lý các vấn đề trong quá trình công tác của thí sinh. Qua đó đánh giá trực tiếp và chính xác hơn sự phù hợp và khả năng đáp ứng của thí sinh đối với chương trình đào tạo so với các bài thi truyền thống hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh sau đại học: Không bỏ chất theo lượng