Từ nhiều năm nay, chuyện các tuyển thủ bóng chuyền Việt Nam thi đấu ở các hội làng dịp đầu xuân đã trở nên quen thuộc. Dù ở cấp làng, nhưng những trận đấu lại diễn ra đầy căng thẳng, kịch tính, bởi các đội đều có sự đầu tư về lực lượng và đặc biệt là chuyện thưởng nóng có khi lên tới cả 100 triệu đồng, tức là hơn cả giải vô địch quốc gia.
Giải chuyên nghiệp cũng phải ghen tị
Nếu như giải bóng chuyền vô địch quốc gia chỉ diễn ra lượt đi và về mỗi năm, thì giải làng lại tăng chóng mặt, từ chỗ chỉ trên dưới 10 giải giờ lên tới con số 30 và thực sự có tác động tới đời sống bóng chuyền Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên trên các phương tiện báo chí rồi mạng xã hội còn đăng tải đầy đủ lịch, số đội cũng như cập nhật diễn biến, kết quả, hình ảnh tranh tài của các giải đấu hội làng.
Điều mà các giải bóng chuyền chuyên nghiệp không có được như giải hội làng, chính là sự thu hút người xem rất đông, có khi không có chỗ mà đứng, mà ngồi, người dân trong làng, trong xã phải trèo cả lên tường, lên cây…
Trong giới bóng chuyền, việc các sao xuất hiện và càn quét ở các giải hội làng chẳng hiếm. Những ngôi sao đương thời bóng chuyền Việt Nam coi dịp đầu xuân, đánh giải hội làng là cơ hội tăng thêm thu nhập. Ngôi sao như Hữu Hà, Văn Kiều, Thanh Thuận, Thái Hưng, Kim Huệ… có thể có thêm vài chục triệu đồng.
Tiếng là hội làng nhưng cầm cân nảy mực ở những trận đấu phải là trọng tài cấp quốc gia. Giải cũng không hề nhỏ. Như giải nhất ở Hương Mạc lên tới 30 triệu đồng, giải nhất Phù Khê khoảng 40 triệu đồng, giải nhất ở Đồng Hương khoảng 35 triệu đồng…
Thậm chí, chỉ với vài cú dứt điểm thành công từ sau vạch 3m, họ đã bỏ túi cả chục triệu đồng từ “thưởng nóng” của một vài khán giả máu mặt. Đó là chuyện không bao giờ có ở các giải đấu chuyên nghiệp.
Vì thế mới có chuyện so sánh giải làng với giải VĐQG, có sự khác nhau một trời một vực về sự cuồng nhiệt, “độ máu” và cả những khoản tiền thưởng nóng hậu hĩnh.
Hội làng to, giải thưởng lại lớn nên công tác chuẩn bị cũng cùng chu đáo. Các đội hoặc các tuyển thủ về làng dù chỉ chơi trong 1-2 ngày nhưng công tác tổ chức luôn bảo đảm để vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi. Hoa khôi bóng chuyền Kim Huệ kể rằng, mỗi khi cô đi thi đấu cấp làng, luôn phải ký mỏi tay tặng người hâm mộ, còn chụp ảnh thì có cả ngày cũng không hết với các fan hâm mộ.
Thưởng nóng cho vận động viên.
Kiếm trăm triệu chỉ trong 1 ngày
Một VĐV bóng chuyền kỳ cựu kể lại, giải làng nhưng nhà tài trợ có khi lên tới hơn 100 người, nên tiền thưởng luôn rất lớn. “Chúng tôi tham dự Giải VĐQG hai vòng đánh từ Bắc vào Nam nếu vô địch toàn đội chỉ được thưởng 100 triệu đồng, còn về làng đấu nếu may mắn thì trong một ngày một đội đã được trên 100 triệu”, VĐV này chia sẻ.
Với phần thưởng lớn như vậy, nên cứ khi nào thu xếp được thời gian, là các VĐV chuyên nghiệp từ ngôi sao tới mới nổi, đều tới các hội làng để đầu quân cho các “ông bầu”.
Nhiều sao bóng chuyền coi hội làng là nguồn thu nhập mới, dẫu chưa ổn định song chẳng hề nhỏ so với mặt bằng chung thu nhập của dân bóng chuyền. Qua chuyến du đấu tại các hội làng những đội như nam Sanest Khánh Hòa, Biên Phòng, Thể Công, Quân Đoàn 4 hay nữ Ngân hàng Công thương, Thông tin LienVietPostBank có thể kiếm được từ 100-400 triệu đồng từ tiền thưởng và hỗ trợ của BTC.
Số tiền này gấp vài lần mức 100 triệu đồng nhận được cho ngôi VĐQG. Hiện tại mức thưởng cho các hội làng đang ở mức tối thiểu 30 triệu đồng, tối đa 100 triệu đồng cho nhà vô địch, chưa kể nguồn thưởng riêng từ các Mạnh Thường Quân.
Năm nay, lịch thi đấu bóng chuyền tại các hội làng lại trùng đúng vào thời điểm diễn ra Cúp Liên Việt 2017. Nếu như trong năm 2016, Ngân hàng Công thương ẵm toàn bộ tất cả các chức vô địch tại các hội làng thì năm 2017 với sự vắng mặt của Thông tin LVPB, nhiều khán giả còn dự đoán khả năng càn quét của Ngân hàng Công thương còn khủng khiếp hơn rất nhiều.
Bộ ba Kim Huệ, Hà Hoa, Nguyễn Thị Xuân mở màn bằng chức vô địch tại hội làng Đông Mai, xã Trung Nghĩa, huyện Yên Phong. Trong những ngày tới, các cô gái Ngân hàng Công thương sẽ tiếp tục góp mặt tại các hội làng lớn như Kim Thiều, Quan Độ hay Ninh Hiệp…
Việc các tuyển thủ quốc gia thi đấu ở hội làng mang tới nhiều niềm vui, nhưng lại là nỗi đau đầu của những nhà quản lý bóng chuyền Việt Nam. Ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT - cho biết từ năm 2015, Tổng cục TDTT cấm không cho VĐV ở các đội tuyển quốc gia về dự hội làng vì nguy cơ chấn thương cao, ảnh hưởng đến việc thi đấu cho đội tuyển.
Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến phản đối chuyện cấm VĐV đi chạy sô hội làng, lý do bởi việc thi đấu ở CLB là quyền của các CLB, nếu họ không tham gia các hội làng để VĐV có sân chơi, cọ xát thì rất khó cho công tác chuyên môn của CLB khi hệ thống giải đấu của bóng chuyền Việt Nam quá ít.
Với các VĐV, họ thừa nhận rằng việc chơi bóng chuyền trên sân xi măng trong điều kiện trời mưa phùn vừa trơn vừa rét rất nguy hiểm cho VĐV. Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất chính là khán giả tại hội làng đã tiếp thêm sức mạnh cho các VĐV. Ai cũng cảm thấy vui hơn, hào hứng hơn cho một năm mới, bởi ngoài sự cổ vũ vô tư của khán giả, thì các VĐV cũng kiếm được số tiền không nhỏ từ hội làng.