Vòng chung kết Asian Cup 2023 sắp sửa khởi tranh. Đội tuyển Việt Nam sẽ lần thứ ba góp mặt tại giải đấu cao nhất của bóng đá châu lục. Tuy nhiên, nếu hai lần trước đoàn quân áo đỏ dự giải bằng sự khấp khởi và hy vọng thì lần này lại nhiều nỗi lo.
Tiêu điều vì “bão chấn thương”
Trong quá khứ, đội tuyển Việt Nam từng hai lần góp mặt tại vòng chung kết Asian Cup và đều đạt thành tích tốt. Lần đầu tiên vào năm 2007, Việt Nam cùng Thái Lan, Malaysia và Indonesia đồng đăng cai giải vô địch bóng đá châu Á. Dưới sự dẫn dắt của cố HLV Alfred Riedl, “Những chiến binh sao vàng” là đội bóng chủ nhà duy nhất vượt qua được vòng bảng để góp mặt tại tứ kết, nơi chúng ta để thua 0-2 trước Iraq, đội bóng sau đó lên ngôi vô địch.
Lần thứ hai vào năm 2019, thời điểm đội tuyển Việt Nam trên đà thăng tiến vượt bậc dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo. Tại giải đấu này, với số đội tham dự được nâng từ 16 lên 24 và điều chỉnh đôi chút về thể thức, thầy trò ông Park vượt qua vòng bảng nhờ thành tích là một trong bốn đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất. Đến vòng 1/8, tuyển Việt Nam đánh bại Jordan sau loạt đá luân lưu cân não và chỉ chịu thua gã khổng lồ Nhật Bản với tỷ số tối thiểu 0-1 tại vòng tứ kết.
Như vậy, trong hai lần tham dự, tuyển Việt Nam đều lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất. Tuy nhiên, trước thềm Asian Cup 2023 sắp sửa khởi tranh, thật khó để kỳ vọng đoàn quân áo đỏ tái lập thành tích tương tự. So với 4 năm trước, chất lượng đội hình có phần sa sút. 4 năm trước, lứa cầu thủ U23 đã làm nên kỳ tích Thường Châu tại Trung Quốc, với ngôi á quân châu Á, là nòng cốt của tuyển Việt Nam tham dự giải. Những cầu thủ tài năng, trẻ trung và sung mãn như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Phan Văn Đức kết hợp với các cựu binh ở độ chín sự nghiệp như Nguyễn Trọng Hoàng, Đỗ Hùng Dũng tạo nên lực lượng hùng hậu và gắn kết, khiến mọi đối thủ phải e dè.
Nếu phát triển đúng lộ trình, dàn tuyển thủ tham dự Asian Cup 2019 sẽ đạt độ chín tại giải đấu trước mắt. Tại giải đấu tổ chức tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Việt Nam là đội tuyển có độ tuổi trung bình trẻ nhất, chỉ 23,1. Sau 4 năm, đội hình này có độ tuổi trung bình 27, giai đoạn được xem sung mãn nhất trong sự nghiệp cầu thủ. Đáng tiếc, lứa Thường Châu đã không phát triển như kỳ vọng. Sự nghiệp của Quang Hải hay Văn Hậu chững lại vì những lựa chọn sai lầm khi xuất ngoại. Trung vệ Trần Đình Trọng hay tiền đạo Phan Văn Đức bị ảnh hưởng bởi chấn thương. Dàn tài năng trẻ của Hoàng Anh Gia Lai tiêu biểu gồm những cái tên Nguyễn Công Phượng, Nguyễn Văn Toàn, Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Phong Hồng Duy hay Vũ Văn Thanh cũng không ai bật lên để trở thành ngôi sao thực sự.
Ngoài ra, những cựu binh đóng góp nhiều dưới thời HLV Park Hang Seo như Hùng Dũng, Nguyễn Anh Đức, Nguyễn Trọng Hoàng... đều bước qua bên kia sườn dốc của sự nghiệp, có người còn đã giải nghệ. Hệ quả là trong danh sách sơ bộ đăng ký tham dự Asian Cup 2023 của đội tuyển Việt Nam, chỉ còn sót lại 8 gương mặt từng tham dự giải đấu 4 năm trước. Đó là Đặng Văn Lâm, Nguyễn Thành Chung, Quế Ngọc Hải, Đỗ Duy Mạnh, Nguyễn Quang Hải, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Tiến Linh.
Đáng lo hơn nữa khi con số 8 cựu binh này đã giảm chỉ còn phân nửa vì cùng một lý do bất khả kháng là chấn thương. Văn Lâm, Thành Chung, Quế Ngọc Hải và Tiến Linh đều đã chia tay đội tuyển. Cần nhấn mạnh, những cầu thủ tồn tại qua hai triều đại để có tên trong cả hai danh sách triệu tập tham dự Asian Cup đều là những cầu thủ có trình độ, duy trì được phong độ ổn định và dày dạn kinh nghiệm trận mạc. Vì vậy tổn thất nhân sự này chẳng dễ gì bù đắp. Lực lượng đội tuyển Việt Nam đã sa sút lại càng mỏng manh hơn.
Mới ra mảng nhưng chưa có miếng
Bên cạnh sự sa sút của lứa Thường Châu, một nguyên nhân quan trọng khác khiến diện mạo đội tuyển Việt Nam thay đổi chóng mặt trong vòng một năm qua là việc thay HLV trưởng. So với người tiền nhiệm, ông Philippe Troussier chọn triết lý bóng đá khác, từ đó cách dùng người cũng khác. Nhiều “trò cưng”của ông Park lại không được HLV Troussier trọng dụng. Điển hình là Hoàng Đức, Quả bóng vàng Việt Nam 2021. Vị chiến lược gia người Pháp còn thẳng thừng tuyên bố tiền vệ Viettel chưa đáp ứng được yêu cầu của ông trước truyền thông. Ngoài ra còn có thể kể đến các trường hợp hậu vệ biên Hồ Tuấn Tài hay trung vệ Bùi Tiến Dũng.
Nếu như ông Park là mẫu HLV thực dụng, xây dựng lối chơi dựa trên nền tảng phòng ngự chặt chẽ thì ông Troussier lại đi theo “trường phái kiểm soát”, tức thi đấu chủ động, cầm nhiều bóng và đề cao nhiệm vụ triển khai tấn công. Để vận hành lối chơi theo ý muốn, ông Troussier trao cơ hội cho nhiều cầu thủ trẻ, ít nhiều từng làm việc với ông khi còn làm công tác bóng đá trẻ, trên cương vị HLV trưởng đội U19 Việt Nam. Tiêu biểu như hậu vệ Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, tiền vệ Nguyễn Thái Sơn hay tiền đạo Nguyễn Đình Bắc...
Điều đáng quan ngại, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier dù trình làng diện mạo mới từ con người cho đến lối chơi nhưng chưa thể gọi là “tới”. Suốt 1 năm qua dưới sự dẫn dắt của vị chiến lược gia người Pháp, “Những chiến binh sao vàng” đã tham dự 8 trận đấu, bao gồm 6 trận giao hữu và 2 trận tại vòng loại World Cup 2026. Tuyển Việt Nam đã thắng trước những đối thủ dưới cơ là Hồng Kông (Trung Quốc), Syria, Palestine và Philippines, nhưng không tạo ra được màn trình diễn nào bùng nổ như kỳ vọng cùng lối chơi mới của ông Troussier.
Ngược lại, tuyển Việt Nam toàn thua trước các đối thủ Trung Quốc, Uzbekistan, Hàn Quốc và Iraq. Điều đáng nói, rất nhiều vấn đề nảy sinh ở những trận thua này. Các học trò của vị chiến lược gia người Pháp lép vế từ thể lực cho đến thế trận, hàng thủ để lộ nhiều sơ hở trong khi hàng công không tạo ra được nhiều mảng miếng phối hợp sắc nét. Những thống kê không thể không khiến giới mộ điệu băn khoăn, như không có nổi pha dứt điểm nào trước Uzbekistan, hay nhận 6 bàn thua trước Hàn Quốc.
Tổng kết lại, sau 1 năm HLV Troussier dẫn dắt, tuyển Việt Nam đã được nhào nặn thành hình dưới diện mạo mới, là lối chơi kiểm soát được áp dụng cùng sự xuất hiện của nhiều cầu thủ trẻ, nhưng chưa thể có sự bùng nổ như lứa Thường Châu. Không chỉ vậy, lối chơi HLV Troussier áp dụng mới ra mảng chứ chưa có miếng. Các cầu thủ đã chủ động cầm bóng bằng những pha ban bật nhưng các ý đồ và cách triển khai tấn công chưa thật sắc bén.
HLV Troussier thường lý giải cho việc kém kết quả bằng sự thử nghiệm và mục tiêu dài hạn. Song, cần nhấn mạnh 1 năm là quãng thời gian tương đối dài đối với một nhà cầm quân, đủ để họ ổn định lực lượng lẫn lối chơi. Trong khi đó, Asian Cup hay vòng loại World Cup đều là những giải đấu quan trọng bậc nhất. Thành công hay thất bại của một HLV cấp ĐTQG và hướng tới mục tiêu tham dự World Cup cần được đánh giá qua những giải đấu như vậy. Và với những gì đang diễn ra tại ĐTQG, người hâm mộ cảm thấy lo hơn là hy vọng.