Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư, nói hoài nói mãi vẫn thấp hơn kỳ vọng. Về cơ chế, việc giải ngân đang có bất cập cần phải sửa từ Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… Về quy trình, việc phân bổ nguồn vốn còn nhiều chậm trễ từ phía chủ đầu tư, nhà thầu. Ngoài ra còn có vướng mắc từ Luật Đất đai liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.
Tính đến thời ngày 31/5, vốn đầu tư giải ngân ước đạt 96.899,971 tỷ đồng, đạt 23,25% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 26,39% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 đạt 23,54% kế hoạch Quốc hội giao và 24,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao). Tuy nhiên, so với kế hoạch vốn đầu tư năm 2019 được giao thì tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư 5 tháng đầu năm 2019 vẫn rất thấp.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, 5 tháng đầu năm, khối sở ngành của thành phố đã giải ngân 539 tỷ đồng, đạt 21,9%; cấp quận, huyện thanh toán tới nay là 481 tỷ đồng, đạt 31,72%. Nguyên nhân giải ngân chậm là do trong nhiều dự án công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư khó khăn. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư hiện đang làm thủ tục đấu thầu. Thứ ba là do đang chờ thanh toán vốn…
Ông Lương Minh Phúc- Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cũng chia sẻ, hiện nay Ban quản lý dự án đã giải ngân khoảng 500 tỷ đồng, đạt 15%. Mục tiêu tới cuối năm sẽ đạt trên 95%. Theo ông Phúc, đối với nhóm dự án sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và đang triển khai, có tới 90% nguyên nhân giải ngân chậm là do những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Vì thế, đơn vị phải thực hiện đan xen vừa thi công vừa vận động bà con bàn giao mặt bằng.
Trước tình hình tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vẫn còn thấp, bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao, ngay từ những tháng đầu năm 2019, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ thực hiện nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Ông Nguyễn Việt Hồng – Phó Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước đề nghị các bộ ngành, địa phương phải khẩn trương hoàn thành phân bổ dự toán kế hoạch vốn đầu tư công cho các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn ODA để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, vì hiện vẫn có một số địa phương chưa giao hết. Thứ hai, phải có sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan cơ quan để thực hiện giải ngân vốn đầu tư từ khâu chuẩn bị tới thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương và các ban quản lý dự án phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2019 để có sự chỉ đạo các chủ đầu tư triển khai nội dung, tháo gỡ ngay các khó khăn vướng mắc, nhất là giải phóng mặt bằng. Đây là khó khăn lớn nhất, gây cản trở nhiều nhất, gây chậm trễ nhiều nhất đối với giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Hồng đề nghị, dù Luật đã có quy định hành lang pháp lý để thực hiện nhưng quá trình thực hiện phải làm sao phù hợp với tình hình thực tế tại từng địa bàn. Các đơn vị phải làm công tác chính trị tư tưởng để vận động người dân bàn giao giải phóng mặt bằng sớm hơn. Đây là vấn đề hệ trọng và nếu làm tốt thì công tác giải ngân sẽ nhanh hơn.
Để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư năm 2019, ngay từ đầu năm 2019 Kho bạc Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị Kho bạc Nhà nước thường xuyên phối hợp chặt chẽ và hướng dẫn cho các đơn vị trong việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục tạm ứng, thanh toán, đảm bảo mọi hồ sơ, chứng từ đủ điều kiện thanh toán vốn đầu tư do các chủ đầu tư, ban quản lý dự án gửi đến Kho bạc đều được tiếp nhận và giải quyết theo đúng chế độ và thời gian quy định.
Đồng thời, có văn bản đôn đốc các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nghiệm thu khi đã có khối lượng hoàn thành và hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục gửi đến Kho bạc để kiểm soát thanh toán, thu hồi vốn đã tạm ứng, tránh dồn vào những tháng cuối năm gây khó khăn trong công tác kiểm soát chi và giải ngân.