Khi chưa có kết luận về nghi vấn cá nhiễm độc, Hà Nội cảnh báo người dân không sử dụng cá chết tại hồ Tây làm thực phẩm.
Cá chết nổi trắng hồ tây.
Chiều tối 2/10, Văn phòng UBND Hà Nội ra thông báo xác nhận số lượng cá chết trong hai ngày qua ước tính lên đến nhiều tấn. Từ đêm 1/10, Hà Nội đã chỉ đạo quận Tây Hồ, các cơ quan chức năng xử lý để tránh tình trạng ô nhiễm, lấy mẫu nước giám định nhằm xác định nguyên nhân. Bước đầu, kết quả kiểm tra nhanh cho thấy toàn bộ nước mặt hồ Tây không có oxy, chỉ số oxy = 0.
Hà Nội cảnh báo người dân không vớt, sử dụng cá chết tại hồ Tây làm thực phẩm khi chưa có kết luận chính xác của cơ quan chức năng về việc có hay không các chất độc hại.
Chiều 2/10, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cùng Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng đã đến hiện trường tại khu vực đường Nguyễn Đình Thi chỉ đạo công tác xử lý. Hà Nội đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố, huy động lực lượng thuộc Bộ Tư Lệnh Thủ đô, Công an thành phố, Sở cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn... tham gia rà, vớt cá chết.
Hà Nội đưa ra 7 biện pháp cấp bách nhằm giải quyết trong đó có việc Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội thu gom cá, đưa tới bãi rác Nam Sơn để chôn lấp. Sở Y tế đưa lực lượng tới phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường xung quanh hồ.
Công an Hà Nội thành phố chỉ đạo Phòng Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định lấy mẫu nước trên diện rộng từ trong bờ ra giữa hồ, từ tầng nước mặt đến tầng nước sâu nhằm xác định nguyên nhân. Lấy mẫu cá sống/chết đưa đi giám định nhằm làm rõ có nhiễm các chất độc hại hay không.
Theo chỉ đạo của thành phố, Sở Xây dựng bố trí 10 máy lọc nước tạo oxy hoạt động trên mặt hồ và tiếp tục mua bổ sung để cứu số cá còn sống ở tầng nước sâu.
Hà Nội sẽ sử dụng chế phẩm làm sạch hồ Redoxy-3C (mới được sử dụng tại một số hồ) nhằm nhanh chóng làm sạch nước, khửi mù và tạo oxy tại các tầng nước sâu.
Ông Phạm Văn Đông (Phó giám đốc Công ty TNHH 1 thành viên Tây Hồ), đơn vị chịu trách nhiệm vệ sinh tầng mặt nước của hồ Tây cho biết, hiện tượng cá nổi bắt đầu từ thứ 6 (ngày 30/9), sau đó chết dần. Đến sáng 2/10, sự việc xảy ra phổ biến trên toàn bộ mặt Hồ Tây rộng khoảng 500ha.
"Lần này nghiêm trọng nhất. Hiện tượng này bất thường và chưa từng có tiền lệ", ông Đông nói.
Theo Ban quản lý hồ Tây, mỗi ngày khoảng 4.000m3 nước thải chưa qua xử lý từ các nhà hàng, quán ăn uống và người dân sinh sống xung quanh đổ xuống hồ. Kết quả phân tích mẫu nước gần đây cho thấy, hàm lượng amoniac cao gấp 3 lần tiêu chuẩn cho phép.