Gần một tuần nay, trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông “nóng” bởi tình trạng ùn tắc kèo dài trên đường Nguyễn Xiển (Hà Nội). Nhiều người cho rằng việc xử lý rào chắn, tìm kiếm giải pháp tạm thời nhằm chấm dứt tình trạng này cần được thực hiện nhanh, dứt điểm, không để người dân bức xúc, mệt mỏi.
“Cực hình” mỗi lúc ra đường
Thời gian gần đây, tình trạng ùn tắc kèo dài trên đường Nguyễn Xiển diễn ra hàng giờ khiến người tham gia giao thông vô cùng mệt mỏi. “Thủ phạm” của tình trạng này là do nhiều vị trí trên tuyến đường bị quây rào tôn rộng hàng trăm mét, chiếm hết diện tích mặt đường.
Theo đó, nhằm phục vụ thi công dự án nhà máy nước thải Yên Xá, đơn vị thi công đã tiến hành rào tôn rộng hàng trăm mét, chiếm đến 2/3 diện tích mặt đường. Các lô cốt này tạo thành điểm nút thắt cổ chai khiến phương tiện di chuyển khó khăn, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm.
Đáng nói, tuyến đường Nguyễn Xiển vốn đã có lưu lượng phương tiện giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc. Việc quây rào tôn thi công chiếm diện tích mặt đường càng khiến cho tình trạng ùn tắc nghiêm trọng hơn, các phương tiện chen chúc, chôn chân trong cảnh tắc cứng.
Bức xúc vì mỗi lần đi làm về phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ, anh Nguyễn Minh Tiền (chung cư Kim Văn - Kim Lũ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cho biết: “Thông thường tuyến đường này đã đông nghẹt người mỗi lúc tan tầm, nhưng ngày thường tôi cũng chỉ mất khoảng 30 phút di chuyển từ Mỹ Đình về nhà. Thế nhưng từ khi quây rào chắn, tôi phải mất đến hơn 1 tiếng mới nhích được đến nhà. Trên đường đi nhiều lần đứng chôn chân cả 15 phút vẫn không di chuyển được”.
Anh Tiền cho biết, việc đi lại gặp nhiều cản trở khiến mỗi ngày đi làm và về nhà như một cực hình. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến công việc cũng như tâm trạng vì nhiều hôm dù đã chủ động đi làm sớm nhưng vẫn bị chấm công muộn do tắc đường.
Nhiều người cho biết, họ đã phải chủ động tìm kiếm đường khác để di chuyển và chấp nhận quãng đường xa hơn. Trường hợp của chị Trần Anh Thư (Chung cư HH Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) là một ví dụ. “Đi làm trên phố Khuất Duy Tiến nhưng mấy ngày gần đây tôi không dám đi qua đường Nguyễn Xiển để về nhà vì hôm nào cũng tắc cứng. Thay vào đó phải đi vòng qua Nguyễn Trãi - Giải Phóng dù quãng đường xa hơn rất nhiều” - chị Thư cho hay.
Cũng theo chị Thư, dù tình trạng ùn tắc nghiêm trọng xảy ra đã gần 1 tuần nay, thế nhưng không thấy bóng dáng của đơn vị thi công tham gia hướng dẫn, phân luồng giao thông, hệ thống cảnh báo trên đường cũng rất sơ sài.
Trước tình trạng bất cập này, nhiều ý kiến đề xuất mượn phần đất bên phải tuyến để hình thành một đoạn đường tránh, mở rộng mặt đường để phương tiện dễ dàng di chuyển. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội lại cho rằng điều này không khả thi bởi vướng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm.
Cần biện pháp quyết liệt
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, một chuyên gia giao thông cho biết, vấn đề hiện tại trên đường Nguyễn Xiển, phía chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phải chịu trách nhiệm. Cách làm hiện tại đang gây bức xúc cho người dân, không thể chấp nhận được.
Việc thực hiện các giải pháp tạm thời như có đường tránh, mở rộng vỉa hè, tạo thêm một phần mặt đường để xe cộ có thể di chuyển hoàn toàn có thể thực hiện được và cũng là giải pháp tối ưu nhất ở thởi điểm hiện tại. “Đường Nguyễn Xiển là một trục giao thông quan trọng của Hà Nội. Việc “bóp” mặt đường chỉ còn 1/3 để thi công gây ảnh hưởng rất lớn đến mạng lưới giao thông, gây bức xúc cho người tham gia giao thông” – vị chuyên gia đánh giá.
Cũng theo chuyên gia này, thông tin lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định việc mở rộng đường không khả thi bởi vướng công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm là hoàn toàn không hợp lý. Bởi bất cứ phía dưới là công trình gì, trong nhiều trường hợp thi công hoàn toàn có các giải pháp để xử lý. Ví dụ như để các tấm sắt bản dày để chống đỡ, thậm chí không cần phải san phẳng vỉa hè. Các phương tiện vẫn có thể lưu thông mà không gây ùn tắc.
Bên cạnh đó, việc chỉ cho xe máy di chuyển phía dưới, ô tô chuyển lên đường Vành đai 3 cũng là một giải pháp tình thế có thể xem xét. Tuy nhiên, nếu thực hiện cũng dễ gây ra tình trạng tắc nghẽn khu vực đường trên cao.
TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị nêu quan điểm, một số tuyến đường có lô cốt mọc lên cản trở dòng xe, gây ùn tắc giao thông đã trở thành tình trạng chung của Hà Nội. Tình trạng các lô cốt mọc lên trên đường Nguyễn Xiển quây rào tôn đến hàng trăm mét vuông là sai về Luật Giao thông.
Về việc mở rộng thêm mặt đường để giải quyết ùn tắc, ông Thủy cho rằng, trên nguyên tắc, phải tìm biện pháp hạn chế thấp nhất gây nên tình trạng ùn tắc giao thông cho người dân, nếu mở rộng được thì mở rộng.
Vị chuyên gia này đề xuất, để không còn tình trạng này, những lô cốt khi được dựng lên bắt buộc phải có hợp đồng, giấy phép và gắn chặt với các yếu tố sau: đánh giá mức độ cần thiết, không thể làm tuỳ tiện; diện tích bao nhiêu; thời gian bao lâu, không phải muốn làm bao lâu cũng được. Các cơ quan quản lý một mặt phải xem xét kỹ lưỡng trong việc cấp các giấy phép này. Đồng thời, kiểm tra và xử phạt ngay nếu vi phạm một trong các điều kiện trên.
“Việc để xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ gây cản trở, bức xúc với người dân mà còn gây ra thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế. Do vậy, phải kiên quyết xử phạt thật nặng, thật nghiêm, có chế tài cụ thể, đánh “thuế gây ùn tắc giao thông” theo thời gian, diện tích lô cốt dựng lên. Hà Nội cũng cần một Thông tư, Nghị định chính thức về vấn đề này. Không thể để tình trạng tuỳ tiện mở thêm nhiều “lô cốt Nguyễn Xiển”, còn người dân thì khổ sở” – ông Thủy nêu quan điểm.
Mới đây, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội (chủ đầu tư dự án Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá) đã thông tin về việc quây rào, phục vụ thi công trên đường Nguyễn Xiển. Theo chủ đầu tư, khu vực đường Nguyễn Xiển đang bị rào chắn sẽ được thi công trong 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (4-29/11), nhà thầu giữ nguyên mặt bằng rào chắn hiện nay. Giai đoạn 2 (sau ngày 29/11 đến hết tháng 5/2024), đơn vị này sẽ thu gọn rào chắn thêm 3 m để mở rộng mặt đường phục vụ đi lại. Đồng thời, tại đây sẽ được bố trí biển báo chỉ dẫn tài xế và thường trực công nhân hỗ trợ chỉ dẫn, phân luồng giao thông.