Tiến sĩ Kentaro Nishimoto thuộc Đại học Tohoku, Nhật Bản phát biểu hôm 12/9 trong cuộc hội thảo: “Hướng đến những vùng biển mở và tự do ở châu Á: Vai trò của Luật quốc tế trong việc duy trì trật tự trên biển” đã cho rằng, do triển vọng giải quyết các tranh chấp lãnh thổ trên biển khó có thể thành hiện thực trong tương lai gần, nên điều quan trọng là cần phải quản lý các tranh chấp trên biển để duy trì hòa bình và an ninh trong khu vực trong khi vẫn tiếp tục tìm kiếm các biện pháp giải quyết cuối
Hội thảo do Học viện Ngoại giao, Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Anh đồng tổ chức tại Hà Nội.
Chia thành 3 phiên với các chủ đề: Bàn về giải quyết xung đột, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống trên biển; tập trung vào vấn đề tài nguyên biển và sự phát triển bền vững, khám phá tầm quan trọng của luật pháp trong việc bảo vệ môi trường biển và mối liên hệ với các sáng kiến kinh tế xanh và vai trò của ASEAN và các đối tác trong việc duy trì trật tự trên biển. Hội thảo quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, học giả trong và ngoài nước.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh trong những năm gần đây, những vấn đề nổi lên ở Biển Đông đã làm dấy lên mối quan ngại không chỉ trong giới học giả mà cả với giới chính trị và các nhà hoạch định chính sách. Yêu cầu đặt ra là phải có tự do hàng hải và yêu cầu đó càng ngày càng trở nên rõ rệt hơn, mạnh mẽ hơn.
Theo PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng, việc bảo đảm và đề cao nguyên tắc pháp quyền trên biển đã đạt được thành tựu đáng kể trong thời gian qua. Một minh chứng tiêu biểu là phán quyết hồi tháng 7/2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 về vụ kiện Philippines-Trung Quốc liên quan đến những khía cạnh thực thi và giải thích UNCLOS 1982 trên Biển Đông.
“Điều này giúp chúng ta nhìn nhận một cách rõ ràng hơn trong việc diễn giải Luật Biển và Luật Quốc tế về biển. Các quốc gia có thể sử dụng phán quyết đó như là xuất phát điểm rất thuận lợi để có thể diễn giải nội dung của Luật Biển cũng như nó có thể được sử dụng như một nền tảng để xây dựng các chính sách của một quốc gia liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển”, Giám đốc Học viện Ngoại giao nhấn mạnh.
Trong khi đó, theo Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever, trong thời gian qua, các bên liên quan đã có những nỗ lực trong việc hướng tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Mặc dù còn nhiều tranh luận về những vấn đề chưa được ngã ngũ, tuy nhiên ít nhất vẫn có “tiềm năng” để theo đuổi COC, đưa nó trở thành công cụ có ý nghĩa và hiệu quả, giúp quản lý các tranh chấp cũng như bảo đảm môi trường hòa bình trên Biển Đông . “Phía Anh cam kết tham gia nhiều hơn nữa trong các vấn đề an ninh và trật tự trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương”- Đại sứ Giles Lever khẳng định.
TS Kentaro Nishimoto cho rằng, trong khi UNCLOS 1982 tạo ra một khung pháp lý cho tất cả mọi hoạt động trên các đại dương và vùng biển thì chính bản thân UNCLOS 1982 cũng cung cấp cho các quốc gia một số công cụ để quản lý tranh chấp trên biển.
“Đầu tiên, UNCLOS 1982 có các quy định rõ ràng về quyền của các quốc gia ven biển và các quy định quản lý hoạt động ở các vùng biển khác nhau. Các quy định này là nền tảng nhận thức chung cho các bên tranh chấp.
Thứ hai, UNCLOS 1982 bao gồm các quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong các khu vực biển không bị giới hạn nhằm định hướng cho hành vi của các quốc gia liên quan tới một khu vực biển không bị giới hạn.
Thứ ba, UNCLOS 1982 có cơ chế giải quyết xung đột riêng, có thể đóng vai trò cả trong việc quản lý lẫn giải quyết tranh chấp trên biển”- TS Kentaro Nishimoto cho biết.