Lần đầu tiên trên thế giới, một nhóm các nhà khoa học Anh đã ứng dụng thành công công nghệ in 3D để tạo ra giác mạc có thể cấy ghép trên người.
Tiến sỹ Steve Swioklo (trái) và giáo sư Che Connon với giác mạc được in 3D (Nguồn: Đại học Newcastle).
Các nhà khoa học tại Đại học Newcastle (Anh) đã trộn tế bào gốc từ một giác mạc hiến tặng khỏe mạnh với alginate, một chất gel chiết xuất từ rong biển, và collagen để tạo ra một loại "mực sinh học" có thể sử dụng để "in" các giác mạc cấy ghép.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Experimental Eye Research cho biết máy in 3D sẽ sử dụng loại "mực sinh học" này để tạo ra một giác mạc trong vòng chưa tới 10 phút.
Giáo sư Che Connon, người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết gel sinh học mới giúp giữ các tế bào gốc sống được trong các giác mạc in 3D. Ngoài ra, đây còn là một chất liệu đủ cứng cáp cho giác mạc nhưng vẫn mềm dẻo để sử dụng được cho máy in 3D.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng cho thấy có thể tạo ra giác mạc khớp với đặc trưng của người ghép giác mạc.
Giác mạc in 3D vẫn cần thử nghiệm sâu hơn song nhóm chuyên gia hy vọng kỹ thuật này có thể ứng dụng phổ biến trong vòng 5 năm tới. Theo giáo sư Connon, nếu thành công, đây có thể là giải pháp giúp giải quyết tình trạng thiếu giác mạc cấy ghép.
Hiện có khoảng 10 triệu người trên thế giới cần phẫu thuật cấy ghép giác mạc mỗi năm.