Ứng dụng công nghệ thông tin: Nâng cao năng lực cho giáo viên

Minh Quang 20/05/2022 16:40

Ngày 20/5, tại Hà Nội, Ban Quản lý chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông) thuộc Bộ GDĐT đã tổ chức tọa đàm trực tuyến “Ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển năng lực nghề nghiệp giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục”.

Dự tọa đàm, các thầy cô giáo đến từ Bắc Cạn, Yên Bái, Phú Thọ, Hoà Bình,Bình Định, Cần Thơ cùng các thầy cô là giảng viên sư phạm của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, Trường ĐH Sư phạm TP HCM và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội… đã cùng trao đổi các vấn đề: Những lợi thế của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để phát triển nghề nghiệp giáo viên; Bồi dưỡng, phát triển năng lực nghề nghiệp trên Hệ thống trực tuyến (LMS) và đánh giá theo chuẩn trên Hệ thống TEMIS… đã tác động tích cực đến việc nâng cao năng lực công nghệ thông tin của giáo viên phổ thông ra sao. Những điểm cần tháo gỡ để các thầy cô tiếp tục ứng dụng CNTT trong việc phát triển chuyên môn nghiệp vụ…

Giáo viên/giảng viên dự tọa đàm trự tuyến ở các điểm cầu (ảnh ETEP).

Để phát triển năng lực nghề nghiệp đội ngũ nhà giáo, Bộ GDĐT đã triển khai mô hình bồi dưỡng mới thông qua chương trình ETEP.

Cốt lõi của mô hình mới là chuyển từ hoạt động bồi dưỡng sang tự bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, tại chỗ với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán tại địa phương và giảng viên chủ chốt của 8 trường ĐH sư phạm và Học viện Quản lý giáo dục.

Thông qua chương trình ETEP, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT được truy cập các chương trình bồi dưỡng thường xuyên và nguồn học liệu thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Bộ GDĐT cũng đã xây dựng hệ thống quản lý học tập trực tuyến.

Đến nay 60/63 Sở GDĐT đã triển khai bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý trên hệ thống này.

Tọa đàm tại điểm cầu Hà Nội (ảnh ETEP).

Theo thông tin từ các địa phương, hiện đã có hơn 30.000 giáo viên cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở GDPT cốt cán hoàn thành 6 mô đun bồi dưỡng, đạt hơn 105% so với mục tiêu. Đáng chú ý, đội ngũ giáo viên cốt cán đã hỗ trợ cho hơn 500.000 giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hoàn thành 5 mô đun bồi dưỡng, trong đó 96% số người học bày tỏ sự hài lòng.

Trên thực tế, việc học tập trên hệ thống LMS đã đạt được mục tiêu kép vừa nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên phổ thông, đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, vừa giúp cho giáo viên phổ thông nâng cao được năng lực ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động chuyên môn nghề nghiệp.

Ông Lâm Đặng Hồng Sơn, Trưởng phòng Tổ chức, Sở GDĐT Vĩnh Long đánh giá: “Qua các mô đun bồi dưỡng, qua nắm bắt từ giáo viên trong tỉnh cho thấy, các thầy cô giáo đánh giá rất tích cực về các mô đun bồi dưỡng, giúp giáo viên nâng cao năng lực, trình độ, đặc biệt là trình độ về ứng dụng CNTT trong dạy học và đổi mới phương pháp, đóng góp tích cực cho triển khai Chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh hiện nay”.

Cô Lương Thị Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi (buôn M’Hăng, xã Cư Huê, huyện EaKar, Đắk Lắk) cho biết, việc tự bồi dưỡng trên hệ thống LMS giúp cô và đồng nghiệp nâng cao nhiều năng lực như năng lực về tổ chức dạy học, giáo dục theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, năng lực tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh. Trình độ CNTT trong thời gian tự bồi dưỡng các mô đun trên hệ thống LMS cũng tiến bộ rõ rệt. Nếu thời gian đầu còn chưa biết cách làm thế nào để vào được hệ thống, làm bài tập và cập nhật bài tập lên LMS thì nay, cô đã thao tác trơn tru mà không cần trợ giúp của đồng nghiệp dạy môn Tin học nữa…

Các ý kiến tại toạ đàm đều khẳng định việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã giúp giáo viên phổ thông và giảng viên sư phạm nâng cao năng lực nghề nghiệp bền vững. Việc ứng dụng CNTT đã trở thành nhu cầu thiết yếu, thành thói quen của nhiều nhà giáo. Các nhà giáo cũng tập trung thảo luận, chia sẻ các giải pháp khai thác hiệu quả học liệu để nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn.

Theo chia sẻ của đội ngũ giảng viên sư phạm, thông qua quá trình hỗ trợ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT, kỹ năng ứng dụng CNTT, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ của giảng viên sư phạm được nâng lên. Thông qua đó, hiệu quả đào tạo sinh viên sư phạm theo hướng gắn với đổi mới GDPT, với thực tiễn nhà trường cũng có nhiều chuyển biến.

TS Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng bộ môn Khoa Ngữ Văn, ĐH Sư phạm Thái Nguyên nhận thấy đây là chương trình rất ý nghĩa. Môn văn rất đặc thù, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy ngữ văn cũng là thách thức đặt ra. CNTT đã giúp chương trình ETEP giải quyết vấn đề bồi dưỡng trong tình hình dịch bệnh Covid-19.

Theo cô Anh, đây là khóa tập huấn có hiệu quả thực sự. Bởi trước đây, một trong những rào cản ứng dụng CNTT là khả năng sử dụng CNTT. Nhưng sau tập huấn thì đa số giáo viên tự tin với việc sử dụng CNTT. Họ nhận thấy họ cần thực hiện chủ động trong quá trình giảng dạy.

Tọa đàm ứng dụng CNTT nâng cao năng lực cho giáo viên (ảnh ETEP).

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đánh giá: ETEP có rất nhiều tác động tích cực với trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Đơn cử như việc được tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT, được nâng cấp toàn bộ hệ thống máy chủ, đường truyền…Hệ thống đường truyền đáp ứng được công tác đào tạo trực tuyến. Đây là sự đầu tư rất kịp thời, đặc biệt trong thời buổi dịch bệnh.

Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục đầu tư và mong muốn được đầu tư, vì CNTT đang phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn. Trong lĩnh vực tăng cường năng lực cho giảng viên, các thầy cô đã được trải qua quy trình phát triển tài liệu, năng lực đã được nâng cao rất nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng công nghệ thông tin: Nâng cao năng lực cho giáo viên