Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa tổ chức Hội thảo ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng chống in lậu.
Theo báo cáo, những năm qua, xuất bản có bước phát triển khá với mức tăng bình quân từ 2015-2019 là 5%. Năm 2020 và 9 tháng năm 2021, chịu tác động mạnh của đại dịch Covid-19, ngành xuất bản chứng kiến bước sụt giảm, với 4% về doanh thu, 9,1% về năng lực sản xuất trong năm 2020; và ước tính giảm sẽ trên 10% trong năm 2021. Để xuất bản lấy lại đà tăng trưởng, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm cả các giải pháp phát triển thị trường và bảo vệ thị trường, trong đó ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vấn nạn in lậu là một trong những giải pháp trọng tâm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, mặc dù các cơ quan quản lý đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn nhưng hoạt động in lậu, in giả, in nối bản trái phép (gọi chung là in lậu) vẫn tiếp tục diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Đặc biệt, tình trạng in ấn, phát hành sách giáo khoa, sách tham khảo lậu diễn ra rầm rộ, tập trung nhiều vào dịp năm học mới. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối của ngành xuất bản và cả xã hội. Bởi việc in ấn, phát hành sách lậu, sách giả không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà xuất bản, đơn vị làm sách mà nó còn làm méo mó thị trường, khiến cho những người làm sách, viết sách mất đi động lực, đe dọa sự phát triển ổn định, lành mạnh của ngành xuất bản. Giải pháp cho vấn nạn trên, ngoài các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm thì việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lí xuất bản phẩm, nhằm phân biệt sách thật, sách giả và chống in lậu là hết sức quan trọng.
Chia sẻ về thực trạng sách giả hiện nay, TS Nguyễn Đăng Quang, nguyên Phó Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho biết, hàng năm sách của NXB Giáo dục in khoảng hơn 200 triệu bản. Trung bình cứ 3 cuốn sách thì có 2 cuốn của NXB Giáo dục có mặt trên thị trường. Từ lâu việc quản lý sách sao cho chặt chẽ là cả vấn đề. Với số lượng lớn như vậy có theo dõi chặt chẽ cũng không tài nào quản lý được đơn vị in ấn có in thêm hay không. Cuối cùng đã nghĩ ra cách dùng tem công nghệ có 4 lớp bảo mật: Lớp 1 - Hình dạng hoa, hoa văn và một số đặc điểm bí mật ẩn giấu trong tem; Lớp 2 - Dấu hiệu nhận biết trên tem được in chìm, chỉ nhìn được khi chiếu tia cực tím; Lớp 3 - Quét mã QR để truy cập trang web của nhà xuất bản; Lớp 4 - Dùng mã nhũ phủ để người sử dụng xác thực và nạp dãy số được phủ nhũ để xác thực sản phẩm và truy cập vào sản phẩm giá trị gia tăng (nếu có).
Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành bày tỏ: Thực tế cho thấy, trước thực trạng in lậu và các hành vi vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ngày càng tinh vi như hiện nay, nhiều nhà xuất bản, đơn vị làm sách đã chủ động tự bảo vệ mình bằng việc sử dụng tem để phân biệt sách thật, sách có bản quyền với sách giả, sách lậu. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do đặc thù của sản phẩm xuất bản không giống hàng hoá khác, đa phần số lượng ấn bản trên mỗi đầu sách không nhiều nên giải pháp dán tem mới tập trung vào sách giáo khoa, các sách có lượng ấn bản lớn. Các loại sách khác chưa được quan tâm do e ngại chi phí đầu tư.
Ông Nguyên cũng cho rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, có rất nhiều giải pháp cùng với các loại tem điện tử, tem thông minh có thể ứng dụng cho các sản phẩm của ngành xuất bản với số lượng không nhiều trên mỗi mã sản phẩm, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chất lượng cao, chi phí phù hợp, giúp bảo vệ bản quyền. Hơn thế nữa, các tem điện tử không chỉ dùng để phân biệt thật giả, mà nó còn chứa rất nhiều dữ liệu về sản phẩm, bao gồm thông tin từ việc sản xuất đến người sử dụng sản phẩm. Ứng dụng vào lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, ngoài việc giúp cho quản lý xuất bản phẩm được tốt hơn, các dữ liệu ở tem điện tử còn giúp cho các nhà xuất bản, các đơn vị làm sách biết được chính xác hơn thị hiếu đọc của thị trường, theo lứa tuổi, khu vực... và nắm bắt kịp thời sự thay đổi này theo thời gian.
“Việc sử dụng tem điện tử sẽ nâng cao vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là Cục Xuất bản, In và Phát hành đối với các đơn vị trong ngành, giúp kết nối cơ quan quản lý với các đơn vị và bạn đọc toàn xã hội nhờ dữ liệu được liên thông trong suốt quá trình từ khi cấp phép, cho tới khi sách đến tay bạn đọc” - ông Nguyên nhấn mạnh.