Mặc dù đã có đề án thi chính thức, cũng như đề thi minh họa, tuy nhiên nhiều trường phổ thông vẫn còn rất lúng túng trong việc ôn thi cho học sinh, cả những trường đại hoc cũng vẫn đang băn khoăn xem xét hình thức xét tuyển, e dè trong việc lên phương án tuyển sinh riêng…
Ông Bùi Văn Ga.
Về điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các trường sau khi công bố Quy chế thi và tuyển sinh 2017.
PV: Thưa ông, hiện nay khá nhiều trường còn lúng túng trong việc cho học sinh ôn tập, Bộ có hướng dẫn cụ thể cho các trường về những đổi mới thi, tuyển sinh trong năm 2017 không?
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Những nội dung cơ bản Bộ đã đưa ra trong Phương án thi và tuyển sinh chính thức 2017. Để các sở, các trường thực hiện dễ dàng, trong thời gian tới Bộ cũng sẽ ban hành quy chế thi THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ 2017, trong đó sẽ có những quy định rất cụ thể trên nền tảng phương hướng đã đưa ra.
Vấn đề cũng được xã hội rất quan tâm là việc thực hiện ngân hàng đề thi trắc nghiệm. Vậy, công tác soạn thảo cũng như tập hợp đội ngũ ra đề thi đảm bảo chất lượng của ngân hàng đề thi này như thế nào?
- Hiện nay Bộ đã cho thành lập Ban soạn thảo đề thi, huy động tất cả các thầy cô giáo giỏi có kinh nghiệm về ra đề thi trong cả nước, để xây dựng ngân hàng đề thi. Bộ đã có kế hoạch rất chi tiết từng ngày một để làm đề, khi nào làm đề thô, khi nào làm đề tinh, khi nào cho học sinh làm thử… để chuẩn hóa đề thi đó. Từng bước rất cụ thể như vậy để làm sao sang năm chúng ta có một ngân hàng đề thi đủ lớn, đảm bảo mỗi thí sinh trong một phòng thi có một đề thi riêng.
Đảm bảo an toàn cho thí sinh tham gia thi là rất quan trọng, đặc biệt trong năm tới sẽ có rất nhiều các môn thi trắc nghiệm. Bộ đã có phương án gì để đảm bảo chất lượng kỳ thi, để các trường có thể yên tâm dùng kết quả đó để xét tuyển?
- Năm 2017, Bộ đã đưa ra các biện pháp như sử dụng hàng rào kỹ thuật để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi, cũng như là tính khách quan. Thứ nhất, là thực hiện đa số các môn thi trắc nghiệm, trừ Ngữ văn. Mỗi em có một đề thi riêng, không giống đề thi của nhau thì các em không thể xem được bài của nhau. Loại trừ được khả năng tiêu cực trong quá trình coi thi.
Tiếp đến là chấm thi, vì trắc nghiệm nên chấm bằng máy, hoàn toàn cũng loại trừ được tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình chấm thi, sự thiên vị trong quá trình chấm thi. Và như vậy thì coi thi, chấm thi chúng ta đã loại trừ được khả năng tiêu cực đó rồi, cho nên dù trong kỳ thi tới Bộ chỉ cử ít cán bộ ĐH xuống tham gia công tác thi, thì cũng sẽ đảm bảo rất nghiêm túc, khách quan. Cái đấy là yếu tố cần thiết để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả để tuyển sinh.
Một số trường ĐH đã có đề án tuyển sinh riêng, nhưng cũng có nhiều trường còn rất e dè. Bộ có khuyến khích các trường lên phương án tuyển sinh riêng không?
- Bộ hoàn toàn ủng hộ, việc tuyển sinh là chủ động các trường. Các trường có thể sử dụng đề án tuyển sinh riêng của mình, trong đó quy định rất cụ thể điều kiện để tuyển sinh, phương thức xét tuyển… Bởi đó là luật, các trường hoàn toàn có thể làm.
Nhưng khi kỳ thi THPT quốc gia tổ chức tốt, nghiêm túc, công bằng, công khai, minh bạch thì chắc chắn hầu hết các trường sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để tuyển sinh, mà không cần tổ chức các kỳ thi khác.
Tuy nhiên, với một số trường có những yêu cầu cao, trường đặc thù hoặc đào tạo năng khiếu thì có thể tổ chức kiểm tra thêm, đánh giá năng lực rất gọn nhẹ, hoặc kiểm tra các môn năng khiếu. Khi đó họ chỉ cần kiểm tra, đánh giá thêm một số ít thí sinh đã sơ tuyển qua kỳ thi THPT quốc gia, ví dụ như vậy, sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với kỳ thi THPT quốc gia. Bởi số thí sinh sẽ rút gọn hơn, không phải là hàng triệu thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia nữa. Các trường hoàn toàn có thể thực hiện cách này…
Trân trọng cảm ơn ông!