Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành và người dân phải nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu; thay đổi cách nghĩ, cách làm để giảm thiểu nguy cơ và các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến phát triển và an ninh trên toàn thế giới.
1. Biến đổi khí hậu (BĐKH) là vấn đề toàn cầu, có tác động mạnh mẽ đến phát triển và an ninh trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Trong thời gian qua, thiên tai và các hiện tượng thời tiết cực đoan do tác động của BĐKH đã không ngừng gia tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...
Công tác ứng phó với BĐKH tại Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ứng phó với BĐKH chưa đồng bộ, chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình mới trong nước và quốc tế. Công tác ứng phó với BĐKH còn bị động, rời rạc, thiếu sự phối hợp...
Để khắc phục những hạn chế trên, mang lại hiệu quả cao trong công tác ứng phó với BĐKH, tại phiên họp lần thứ VIII Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong thời gian tới các cấp, các ngành và người dân phải nâng cao nhận thức về BĐKH; thay đổi cách nghĩ, cách làm để tận dụng thời cơ, giảm thiểu nguy cơ và các tác động tiêu cực của BĐKH.
Đẩy mạnh rà soát, chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, khung khổ pháp lý về ứng phó với BĐKH; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó với BĐKH; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của BĐKH đối với từng vùng, địa phương; nghiên cứu tình hình sạt lở đất ở các khu vực sông, ven biển, miền núi để có giải pháp cụ thể, kịp thời; rà soát, chỉnh sửa, bổ sung các quy hoạch hiện có, trước hết tập trung vào một số vấn đề cấp bách, ưu tiên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung.
Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng thích ứng cao với BĐKH và phát thải ít cacbon; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển năng lượng, các công nghệ và giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên trong khu vực.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tăng cường phối hợp trong thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ hoạt động ứng phó với BĐKH tại Việt Nam; ưu tiên nguồn vốn ODA cho các công trình, dự án quan trọng.
Cụ thể, trong năm 2017, Bộ TN&MT phải tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế chính sách về ứng phó với BĐKH; phối hợp với các Bộ liên quan trong việc xem xét, đề xuất bố trí, phân bổ nguồn vốn bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả để triển khai các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, các bộ ngành và địa phương theo dõi, đánh giá chặt chẽ tình hình mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống; tăng cường công tác quản lý khai thác công trình thủy lợi, đáp ứng tối đa nhiệm vụ tưới tiêu chủ động trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn, BĐKH; nghiên cứu tổng thể về tình hình sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo sớm phương án với Lãnh đạo Chính phủ.
Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ TN&MT rà soát, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH.
Bộ Xây dựng rà soát các quy hoạch xây dựng đô thị, quản lý chặt chẽ việc khai thác cát xây dựng, nghiêm túc thực hiện chủ trương không cấp phép xuất khẩu cát.
Phá rừng là một trong những nguyên nhân dẫn đến biến đổi khí hậu toàn cầu.
2. Cách đây chưa lâu, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững. Mục tiêu của kế hoạch nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với BĐKH; bảo đảm mọi người dân được phát huy mọi tiềm năng, tham gia và thụ hưởng bình đẳng thành quả của phát triển; xây dựng một xã hội Việt Nam hòa bình, thịnh vượng, bao trùm, dân chủ, công bằng, văn minh và bền vững.
Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 17 mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) đến năm 2030, trong đó bao gồm 115 mục tiêu cụ thể, tương ứng với các mục tiêu PTBV toàn cầu theo Văn kiện “Chuyển đổi thế giới của chúng ta: Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững” được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9-2015.
Trong đó, có những mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo công tác bảo vệ môi trường như: Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước; ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai; bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để PTBV; bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất.
Giai đoạn 2017 - 2020 có 7 nhiệm vụ chủ yếu cần thực hiện, như: Hoàn thiện hệ thống thể chế PTBV; muộn nhất trong năm 2018 hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch hành động của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức; xây dựng các chương trình, đề án, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030; xây dựng và ban hành chỉ tiêu và lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030; xây dựng bộ cơ sơ dữ liệu về các mục tiêu PTBV; thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về các mục tiêu PTBV…
Trong giai đoạn 2021 - 2030, triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030; tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu PTBV, tập trung nguồn lực nhằm giải quyết những vướng mắc, các lĩnh vực gặp khó khăn trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu các mục tiêu PTBV, cơ chế thu thập thông tin dữ liệu phục vụ giám sát, đánh giá các mục tiêu PTBV; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu PTBV; chú trọng phát triển công nghệ môi trường, công nghệ sạch, công nghệ năng lượng mới…
Một số nhiệm vụ liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học cũng đã được Thủ tướng phân công cụ thể cho Bộ TN&MT như: Xây dựng Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; điều tra, lập danh mục, bảo vệ và phát triển nguồn gen; nghiên cứu, xây dựng quy định hướng dẫn cơ chế tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích thu được từ nguồn gen; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tăng cường năng lực về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lý lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen...