Ung thư dạ dày là một trong số những loại ung thư thường gặp nhất. Theo thống kê của GLOBOCAN, một dự án của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế trực thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là loại ung thư đứng hàng thứ tư ở nước ta. Tuy nhiên tỷ lệ phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm ở Việt Nam còn chưa cao.
Trên thực tế, nhiều bệnh nhân chỉ đến viện thăm khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, không còn khả năng chữa khỏi hoàn toàn. Nhiều người nhập viện khi đã bệnh như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, viêm phúc mạc. Đây đều là những biến chứng nguy hiểm, có thể gây tử vong.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân nhập viện khi bệnh đã di căn với các triệu chứng như liệt (do tổn thương di căn cột sống hay di căn não), khó thở (di căn phổi),… Khi đó việc điều trị chỉ còn mang tính chất kéo dài thời gian sống thêm và đảm bảo chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Ở giai đoạn sớm, ung thư dạ dày thường khó phát hiện do triệu chứng không rõ ràng. Bệnh nhân thường được chẩn đoán sớm một cách tình cờ khi khám sức khỏe hoặc trong các chương trình tầm soát.
Ở các quốc gia có tỷ lệ mắc ung thư dạ dày cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Chile, … việc tầm soát ung thư dạ dày nhờ nội soi dạ dày được thực hiện rộng rãi và đã giúp phát hiện được ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm và rất sớm nên đã cải thiện, nâng cao hiệu quả điều trị bệnh này.
Theo Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai), ở giai đoạn muộn, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng như đau bụng dai dẳng và sút cân - là những triệu chứng thường gặp nhất khi được chẩn đoán.
Đau bụng thường gặp ở vùng trên rốn, lúc đầu đau nhẹ, âm ỉ nhưng ở giai đoạn sau bệnh nhân đau nhiều hơn và liên tục. Bệnh nhân sút cân thường vì ăn kém do chán ăn, buồn nôn, đau bụng và thậm chí cả khó nuốt. Trong đó, buồn nôn hoặc cảm giác no sớm có thể gặp do khối u gây ra. Trong trường hợp ung thư dạ dày lan tỏa, những triệu chứng này xuất hiện do dạ dày mất khả năng co bóp. Triệu chứng này cũng có thể gây ra do tắc nghẽn con đường thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột non (được gọi là hẹp môn vị).
Bệnh nhân cũng có thể bị thiếu máu do chảy máu dạ dày số lượng ít, kéo dài với biểu hiện có hồng cầu trong phân khi xét nghiệm không phải là hiếm gặp, trong khi đó chảy máu ồ ạt (gây nôn máu, đi ngoài phân đen) chỉ gặp ở khoảng dưới 20% các trường hợp.
Bệnh nhân cũng có thể có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh khi đã di căn. Các vị trí di căn hay gặp nhất của ung thư dạ dày là di căn màng bụng (gây cổ chướng), di căn gan và di căn hạch. Ít gặp hơn là các trường hợp di căn buồng trứng, di căn xương, di căn phổi thậm chí di căn não,... Các triệu chứng này được phát hiện khi thăm khám lâm sàng và chụp chiếu, đánh giá toàn thân một cách đầy đủ.
Hiếm gặp hơn, bệnh nhân ung thư dạ dày có thể có các triệu chứng do u xâm lấn qua các lớp của thành dạ dày gây thủng dạ dày hoặc thậm chí xâm lấn đến các cơ quan ở xung quanh như đại tràng và gây ra tắc ruột.
GS.TS Mai Trọng Khoa - nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chế độ ăn uống, lối sống, nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) và yếu tố di truyền đã được chứng minh có vai trò trong ung thư dạ dày. Cụ thể, thức ăn chứa nhiều muối, hay được bảo quản bằng muối (như các loại rau muối, thịt muối…) dẫn tới tổn thương niêm mạc dạ dày và do đó khiến dạ dày càng dễ bị tổn thương bởi các tác nhân sinh ung thư.
Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, béo phì và hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ ung thư vùng tâm của dạ dày. Một số nghiên cứu cho thấy người hút thuốc lá có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao gấp khoảng 1,5 lần người không hút thuốc lá. Nguy cơ này giảm dần sau khi cai thuốc 10 năm. Ngoài ra, ung thư dạ dày có liên quan tới yếu tố gia đình xảy ra ở khoảng 10% các trường hợp.