Chưa kịp “hoàn hồn” sau sự cố điêu đứng vì giá thịt lợn xuống thấp kỷ lục, từ đầu năm 2019 đến nay, các hộ, gia trại, trang trại chăn nuôi lợn trên cả nước tiếp tục phải đối mặt với một sự cố nghiêm trọng hơn: Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, bùng phát, lan rộng. Tính đến nay, dịch đã xuất hiện, bùng phát ở 21 tỉnh thành, trải dài từ miền Bắc đến miền Nam.
Người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng các sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch. Ảnh: Quang Vinh.
Mặc dù các cấp, các ngành, địa phương đã và đang huy động tất cả các nguồn lực, áp dụng nhiều biện pháp để khoanh vùng, dập dịch nhưng vì nhiều lý do cho đến nay dịch bệnh này vẫn chưa được khống chế, nguy cơ lan rộng vẫn còn rất cao. Có những tỉnh như Thái Bình, dịch đã lan rộng trên cả 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh...
Chăn nuôi lợn-như đã thấy-là một trong những sinh kế chính của số đông các hộ dân ở nông thôn. Người ít khả năng, điều kiện thì chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình; người có khả năng, điều kiện tốt hơn thì chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại. Thực tế cho thấy, thời gian qua dịch tả lợn xuất hiện chủ yếu ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ hoặc quy mô nhỏ; thiếu các điều kiện đảm bảo vệ sinh, phòng chống dịch. Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, cả hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và những cơ sở chăn nuôi quy mô lớn đều cùng phải hứng chịu những hậu quả hết sức nặng nề. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, có ổ dịch xuất hiện thì chịu cảnh phải tiêu hủy lợn mắc dịch.
Theo thống kê, tính đến nay khoảng 65.000 con lợn của các hộ chăn nuôi này đã bị tiêu hủy. Với các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, dù ít hoặc không phải nơi phát sinh ổ dịch, không có lợn bị tiêu hủy nhưng hậu quả phải gánh chịu cũng rất nghiêm trọng: Việc vận chuyển lợn, thịt lợn bị siết chặt; thị trường tiêu thụ lợn thịt, lợn giống, các sản phẩm làm từ thịt lợn...đang gần như bị “đóng băng”, mọi hoạt động của trang trại, gia trại bị tê liệt. Hoạt động chăn nuôi lợn bị tê liệt đồng nghĩa với việc các dịch vụ “ăn theo” cũng đang phải chịu chung “số phận”. Cả ngành chăn nuôi lợn đang cùng cảnh điêu đứng; tác động, kéo theo nhiều hệ lụy cả về kinh tế và xã hội.
Có một câu hỏi đặt ra là: Trước thảm cảnh của người chăn nuôi lợn hiện nay, xã hội cần phải làm gì? Câu trả lời không thể khác: Các cấp ủy đảng, chính quyền ở các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với nhiệm vụ khoanh vùng, dập dịch; các cơ quan chức năng, chuyên môn phải tăng cường phối hợp, áp dụng, triển khai các biện pháp hiệu quả để mục tiêu khoanh vùng, dập dịch sớm đạt được; các hộ chăn nuôi phải chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch; hợp tác với chính quyền, các cơ quan chức năng; và cuối cùng, người tiêu dùng không thể đứng ngoài cuộc.
Với bất cứ ngành nghề, dịch vụ nào, người tiêu dùng, khách hàng cũng là người quyết định sự sống còn. Có một thực tế là, thời gian qua, khi dịch tả lợn xảy ra, phản ứng đầu tiên của nhiều “bà nội trợ” trên cả nước là “né”, “tẩy chay” thịt lợn. Đây là phản ứng tâm lý dễ hiểu của những người lo bữa ăn cho cả nhà khi chưa hiểu “đầu cua tai nheo” ra sao? Tuy nhiên, như đã thấy, dịch tả lợn châu Phi được cả thế giới xác định tuy là dịch bệnh nguy hiểm nhưng chỉ lây lan trong đàn lợn; hoàn toàn không không lây truyền và gây bệnh cho người.
Thực tế cũng cho thấy, cho đến nay các ổ dịch tả lợn ngay sau khi được phát hiện đều được chính quyền, cơ quan chuyên môn ở các địa phương thực hiện quy trình tiêu hủy. Tổng số lợn mắc dịch, bị tiêu hủy dù lớn với từng hộ, cơ sở chăn nuôi nhưng cũng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với đàn lợn của cả nước. Hoạt động vận chuyển lợn, các sản phẩm làm từ thịt lợn cũng đang được chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương siết chặt.
Chính vì vậy, thời gian qua, các cơ quan quản lý, các chuyên gia đều khuyến cáo người tiêu dùng hoàn toàn có thể yên tâm khi sử dụng các sản phẩm thịt lợn đã qua kiểm dịch. Việc xã hội, người tiêu dùng có nhận thức, hiểu biết đúng, đầy đủ về dịch tả lợn trong lúc này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, quyết định sự sống còn của cả ngành chăn nuôi, của những người chọn chăn nuôi lợn làm sinh kế...
Qua đây, cũng thấy rõ hơn một điều: Các cơ quan liên quan và các địa phương cần phải đẩy mạnh, có thêm nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền hiệu quả hơn nữa, giúp xã hội, nhất là các bà nội trợ hiểu rõ hơn về dịch tả lợn đang diễn ra, để biết mình nên và không nên làm gì? Đặc biệt, những hành vi tung tin thất thiệt, gây hoang mang dư luận, gây thiệt hại cho người chăn nuôi cần phải được ngăn chặn, xử lý kịp thời, thích đáng. Chính quyền, cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để hoạt động chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm diễn ra bình thường, thuận lợi.
Cuối cùng, từ những thiệt hại, hệ lụy dịch đã gây ra cho nền kinh tế, cho xã hội thời gian qua, càng thấy rõ hơn sự cần thiết của việc Nhà nước phải có những cơ chế, chính sách mạnh hơn, có tính động lực hơn để xây dựng, phát triển cho bằng được một ngành chăn nuôi hiện đại, từng bước hạn chế hoạt động chăn nuôi nhỏ lẻ. Bởi chỉ có chăn nuôi hiện đại mới có đủ sức chống chọi với dịch bệnh, mới có thể cung cấp cho thị trường những sản phẩm chất lượng, an toàn...