Ứng xử với không gian văn hoá, sáng tạo

Minh Quân 12/07/2021 06:30

Việc Hà Nội tham gia mạng lưới sáng tạo của UNESCO đang là cơ hội để chuyển hoá những nhà máy, xí nghiệp cũ… trở thành các không gian văn hoá, sáng tạo. Tuy nhiên, việc ứng xử thế nào với những điểm đến này cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng, vừa bảo đảm phát triển vừa lưu giữ ký ức.

Không gian Trung tâm văn hoá Pháp được hình thành từ một nhà máy In cũ.

Không gian sáng tạo trên nền nhà máy cũ

Theo số liệu thống kê, từ năm 2019 đến nay có hơn 100 nhà máy, cơ sở công nghiệp đã và đang được di dời khỏi nội thành Hà Nội. Trong đó có những công trình có tuổi đời hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo, có giá trị lịch sử xứng đáng được giữ lại làm di tích kiêm không gian văn hóa sống động. Có thể kể đến như nhà máy bia Hà Nội, nhà máy Điện Thông, tổ hợp ba nhà máy Cao su Sao vàng, Xà phòng Hà Nội, Thuốc lá Thăng Long…

Từ những công trình “ký ức” này nhiều địa điểm đã được chuyển đổi thành những không gian văn hoá, sáng tạo như Nhà máy In cũ của báo Nhân Dân (phố Tràng Tiền) thành Trung tâm Văn hóa Pháp, cơ sở sản xuất của Xí nghiệp Dược phẩm Trung ương 2 (phố Trần Thánh Tông) thành tổ hợp Zone 9 (cũ)…

Mới đây nhất, chuỗi tổ hợp Complex 01 (Tây Sơn, Hà Nội) đã được xây dựng trên nền móng nhà máy cũ vào những năm 1940 - 1960 đã nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng, nhất là những bạn trẻ. Theo KTS Nguyễn Bùi Vũ, chủ đầu tư kiêm nhà thiết kế dự án cho biết, khu tổ hợp này vốn là một xưởng in cũ nằm xen kẹt trong một con ngõ nhỏ.

Trước đây, không gian này đã có 3 dự án được lên kế hoạch nhưng không chủ đầu tư nào triển khai vì khu đất chỉ cho phép thuê 2 năm. Tuy nhiên, với mong muốn tạo ra một chuỗi không gian cho giới trẻ thỏa sức sáng tạo, khởi nghiệp, tôi đã mạo hiểm đầu tư. Trên nền móng của một nhà máy cũ những năm “cách mạng công nghiệp” (1940-1960), chúng tôi muốn khởi tạo nên một “cuộc cách mạng mới” với Complex 01 - tổ hợp đa chức năng: Làm việc - học tập - mua sắm - cafe - giải trí… Mô hình này sẽ đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các bạn trẻ muốn kết nối, khởi nghiệp và các cửa hàng vừa và nhỏ.

Có thể nói việc chuyển đổi các nhà máy cũ thành các không gian văn hoá, sáng tạo là một chiến lược vừa làm giàu văn hóa, lịch sử, vừa tạo môi trường cởi mở thu hút sự tham gia của người dân, giới khởi nghiệp, nghệ sĩ, cũng như các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc chuyển hoá các điểm đến này, cũng như việc duy trì hoạt động của các điểm đến, vẫn đang phải đối mặt với vô số thách thức.

Hoạt động văn hóa tại không gian phố đi bộ Hồ Gươm.

Thách thức duy trì phát triển

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều không gian văn hoá, sáng tạo đã rơi vào cảnh điêu đứng, thậm chí là có nguy cơ xoá sổ. Đơn cử, không gian sáng tạo “Ơ Kìa Hà Nội” mới đây đã thông báo chuyển đến địa điểm, trên tầng 5 của tập thể Bưu điện, trong một ngõ nhỏ trên phố Ngọc Khánh.

Không gian mới ấn tượng, bởi chủ nhân của nó tiếp tục tái tạo một Hà Nội xưa cũ, với những trang trí rất Hà Nội. Song, sau vài năm hoạt động, đây đã là lần thứ ba không gian này phải chuyển nhà một cách bất đắc dĩ. Trước đó, tổ hợp sáng tạo 60S Thổ Quan (nằm trong ngõ Thổ Quan, phố Khâm Thiên, quận Ðống Ða) để lại nhiều tiếc nuối hơn khi bị xoá sổ.

Không chỉ là những khó khăn về kinh tế, nhìn từ thực tế các không gian văn hoá, sáng tạo hiện nay vẫn chưa thực sự nhận được sự quan tâm xứng đáng. Dẫn chứng từ kinh nghiệm thực tế, nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung chia sẻ, không gian văn hoá trước tiên cần được quy hoạch để xây dựng nên một không gian công cộng, giúp tạo thói quen mới, nếp sống mới, từ đó trở thành một biểu tượng văn hoá của thành phố.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, có rất nhiều quảng trường, tượng đài mang tính nghệ thuật, tính biểu trưng của văn hoá Hà Nội, nhưng những nơi này lại bị biến thành văn hoá tâm linh, là nơi thờ cúng lễ bái. Các tượng đài mang tính nghệ thuật, lịch sử sẽ mất đi rất nhiều giá trị nếu vô tình trở thành đền thờ, tạo nên tâm lý e dè của người sáng tạo cũng như đơn vị quản lý, đôi khi còn tạo nên những thói quen thiếu lành mạnh của công chúng.

Phố đi bộ Hồ Gươm sẽ trở thành một biểu tượng văn hoá với những hoạt động thực sự mang lại đời sống văn hoá, tình thần cho người dân nếu không có những dịch vụ biến nó trở thành sân đua xe điện của trẻ em. Các hoạt động nghệ thuật ở đây cũng cần được quy hoạch và lên chương trình có chọn lọc và dài hơi hơn, tránh việc ô nhiễm tiếng ồn và thiếu nghiêm túc, xuồng xã trong các hoạt động nghệ thuật.

Nhìn nhận về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: Rõ ràng, chúng ta không thể ứng xử với các không gian văn hoá, sáng tạo như các doanh nghiệp bình thường vì đặc điểm của các không gian này mang tính thử nghiệm, hướng tới cộng đồng.

Khi thực tiễn cho thấy một thành công trong lĩnh vực sáng tạo có thể đem lại rất nhiều lợi nhuận cho người sáng tạo, cộng đồng và quốc gia như sự phát triển của facebook, uber, grab, amazon… thì mặt khác cũng cho thấy khoảng 80% các ý tưởng táo bạo đã bị thất bại.

Nuôi dưỡng ước mơ, sáng tạo phải được thực hiện theo cách khác thông thường, vì vậy, chính quyền thành phố cần phải có những chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế, các định rõ ràng hơn địa vị pháp lý của các không gian văn hoá, sáng tạo là những tổ chức phi lợi nhuận, vì cộng đồng, thì các địa điểm mới có thêm những cơ hội phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử với không gian văn hoá, sáng tạo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO