Uống gì có lợi cho sức khỏe?

Hoàng Minh 05/04/2017 10:04

Ngày 4/4, tại Hà Nội, Viện Y học ứng dụng Việt Nam trực thuộc Tổng hội Y học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Đồ uống và sức khoẻ”.

Toàn cảnh Hội thảo.

Tại hội thảo, Báo cáo về vai trò và nhu cầu nước khuyến nghị của PGS.TS Phạm Văn Hoan, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã nêu bật vai trò quan trọng của nước đối với sức khoẻ và đưa ra các số liệu trên thế giới cũng như Việt Nam về nhu cầu nước khuyến nghị cho từng lứa tuổi.

Cụ thể, nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể sẽ tăng dần theo tuổi từ khi còn là trẻ sơ sinh (cần khoảng 0,6 lít nước) cho tới khi là trẻ nhỏ (khoảng 1,7 lít). Với người trưởng thành, nhu cầu nước của nam giới khoảng 2,5 lít/ngày nếu có mức độ lao động thể lực mức độ nhẹ, có thể tăng lên tới 3,2 lít/ngày nếu hoạt động thể lực ở mức độ trung bình và tăng lên tới 6 lít/ngày nếu hoạt động thể lực nhiều và sống trong điều kiện khí hậu nóng. Nhu cầu nước của nữ giới thấp hơn của nam giới cùng nhóm tuổi khoảng từ 0,5 - 1 lít nước.

Ngoài ra, Phó Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng khuyến nghị các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới đã phát triển hướng dẫn chung về nhu cầu nước uống dựa trên thói quen dinh dưỡng hàng ngày của từng nhóm dân số cụ thể.

Nước từ các loại thực phẩm được cho là góp phần bổ sung 20-30% tổng nhu cầu nước uống hàng ngày và nước của các loại đồ uống sẽ góp phần bổ sung 70-80% nhu cầu nước uống một ngày.

Điều tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Hoa Kỳ lần thứ 3 (NHANES)cũng chỉ ra rằng khoảng 80% nhu cầu nước một ngày của cơ thể sẽ đến từ các loại đồ uống, và khoảng 20% nhu cầu nước đến từ các loại thực phẩm.

Các khuyến nghị về nhu cầu nước dưới đây bao gồm lượng nước từ thực phẩm và đồ uống để bù lại lượng nước đã mất qua các con đường khác nhau.

Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học trong hội thảo đã thảo luận và thống nhất các quan điểm chính theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về sức khoẻ, bao gồm: Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khoẻ nhằm giảm sử dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam nhằm giảm các bệnh liên quan đến lạm dụng sử dụng rượu bia. Đặc biệt nghiên cứu sâu hơn về nước cho các đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em và các bệnh lý khác nhau.

Giảm sử dụng các đồ uống có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khoẻ lâu dài: đồ uống có lượng đường cao, đồ uống sử dụng các phụ gia, hương liệu, hóa chất có hại cho sức khoẻ. Tăng cường sử dụng các đồ uống truyền thống có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây, các loại trà, trà thảo mộc có hàm lượng đường thấp. Sử dụng đồ uống cho từng đối tượng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh tật.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Uống gì có lợi cho sức khỏe?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO