Việt Nam đang tiến hành chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay. Việc tiêm vaccine phòng chống Covid-19 là hết sức cần thiết, để nhanh chóng đạt sự miễn dịch cộng đồng, qua đó đại dịch mới được đẩy lùi. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine cũng có một số tác dụng phụ. Điều này đã được các cơ quan y tế có thẩm quyền khuyến cáo.
Thực tế, sau khi tiêm vaccine, một số người sẽ xuất hiện các phản ứng như đau nhức cánh tay, sốt, ớn lạnh, buồn nôn và mệt mỏi. Đó là những dấu hiệu cho thấy vaccine đang hoạt động bằng cách kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể. Thông thường, những phản ứng trên chỉ kéo dài trong khoảng thời gian 1-2 ngày, trong ngưỡng chịu đựng được. Tuy nhiên, đôi khi, người tiêm có thể cần thuốc giảm đau. Nếu các triệu chứng ở mức độ nặng hơn (đau đầu dữ dội kéo dài, hôn mê, co giật, khó thở, sốt cao liên tục...), người tiêm cần nhập viện ngay.
Vậy, có nên dùng thuốc giảm đau không? Các bác sĩ nhận định tốt hơn là không nên dùng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào trước hoặc sau khi tiêm vaccine Covid-19. Tuy nhiên, vẫn có thể uống paracetamol với liều lượng khuyến cáo sau khi tiêm.
Việc dùng thuốc giảm đau có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine, giống như đối với bệnh cúm. Việc xuất hiện các triệu chứng nhẹ là bình thường và là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang xây dựng khả năng miễn dịch chống lại Covid-19.
Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đưa ra lưu ý, người mới tiêm vaccine cần thường xuyên đo thân nhiệt. Nếu sốt dưới 38,5 độ C, cần cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Nếu sốt từ 38,5 độ C trở lên, sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
Ngoài ra, người tiêm vaccine Covid-19 cần nghỉ ngơi nhiều và đảm bảo cơ thể luôn đủ nước. Bạn cần tự theo dõi sức khỏe 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong 7 ngày đầu.