Ưu tiên bảo vệ di sản Hồ Gươm

Hương Lê 26/07/2016 08:30

Dự án xây dựng công trình khách sạn ven Hồ Gươm đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Những lo lắng ấy hoàn toàn có cơ sở bởi Hồ Gươm vốn là một không gian kiến trúc văn hóa lịch sử nhạy cảm, là một di tích lịch sử nghệ thuật đặc biệt cấp quốc gia.

Một câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra, tại sao trong ưu tiên bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đang được Hà Nội đề xuất, người ta không ưu tiên “cứu” không gian văn hóa Hồ Gươm đang ngày một bị thu hẹp?

Hồ Gươm.

Đừng chất tải lên di tích quốc gia đặc biệt

Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn, thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 9-12-2013. Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn bao gồm: hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn và khu tưởng niệm vua Lê.

Tất nhiên, trước khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt không gian Hồ Gươm đã trở thành một trong những biểu tượng về lịch sử văn hóa và cảnh quan của Thủ đô ngàn năm văn hiến. Chính vì vậy, mỗi khi có những dự án xây dựng cải tạo quanh không gian Hồ Gươm, không chỉ giới chuyên môn mà người dân cũng hết sức quan tâm.

Theo phân tích của các kiến trúc sư, vài chục năm gần đây nhiều công trình xây dựng mới ở Hồ Gươm đã làm tồn thương đến kiến trúc khu vực. Hồ Gươm ngày một bé đi trước áp lực của đô thị hóa và áp lực của nền kinh tế thị trường. Theo đó, việc xây dựng khách sạn ven Hồ Gươm- chuẩn bị khởi động vào tháng 9 tới cần lưu ý tới việc hài hòa cảnh quan với kiến trúc tổng thể xung quanh, không nên xây cao hơn 2 tầng như siêu thị Intimex hiện tại.

Còn PGS.TS Hà Đình Đức, một người nặng lòng với Hồ Gươm đã thận trọng đưa ra những kiến nghị: về mặt cảnh quan thì tôi không dám nói nhưng về mặt pháp lý, phải dựa vào Quyết định 448 ngày 3-8-1996 của Bộ Xây dựng. Trong quyết định này đã phân ra từng lô đất, và có tới 20 lô xung quanh Hồ Gươm.

Mỗi lô đất có diện tích và một số thông số như hệ số sử dụng và mật độ xây dựng. 2 thông số này khống chế việc xây tùy tiện. Theo đó, việc xây dựng khách sạn ven Hồ Gươm cần “áp” theo những qui định đã có tại Quyết định nói trên.

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, PGS.TS Hà Đình Đức cho biết, không chỉ riêng ông mà rất nhiều người dân Thủ đô đều quan tâm tới không gian văn hóa Hồ Gươm. Và những câu chuyện xung quanh Hồ Gươm - bất luận thế nào cũng vẫn luôn dành được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu và cộng đồng.

Vì vậy, một động tĩnh nhỏ ở khu vực này cũng trở thành chuyện lớn nếu không tìm được tiếng nói chung. Còn nhớ trước đó, nhờ sự can thiệp kịp thời của một số chuyên gia mà chương trình nhạc nước đón năm mới Ất Mùi 2015 - lẽ ra tổ chức trên mặt nước Hồ Gươm, đã được đơn vị tổ chức chuyển đi nơi khác.

Hay cách đây 5 năm, lần đầu tiên Lễ hội phố hoa quanh Hồ Gươm được tổ chức nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Tiếp đó, năm 2012 lễ hội phố hoa được tổ chức lần 2 ở không gian này… Khi ấy, nhà quản lý văn hóa kỳ vọng lễ hội hoa quanh Hồ Gươm sẽ trở thành một “đặc sản” của Hà Nội. Nhưng đáng buồn, điều đọng lại sau mỗi lễ hội hoa, không gian văn hóa Hồ Gươm dường như nhếch nhác hơn.

Những năm gần đây, không những bị quá tải về mặt không gian, khu vực Hồ Gươm cũng đang trở nên quá tải bởi các sự kiện văn hóa của Hà Nội. Bởi cứ tổ chức sự kiện văn hóa là người ta hay chọn khu vực Hồ Gươm.

Giới kiến trúc từng cảnh báo: Hồ Gươm với không gian hữu hạn của nó, tiếp tục là trung tâm đáp ứng nhu cầu công cộng của một thủ đô lớn gấp 22 lần trước đây 30 năm. Dải không gian quanh hồ có diện tích khá hạn chế và bị phân mảnh bởi làn giao thông, không thể đáp ứng tổ chức sự kiện lớn tập trung đông người…

Chính vì vậy, theo các chuyên gia, trong hiện tại và tương lai, Hồ Gươm không nên tiếp tục là trung tâm sự kiện văn hóa lớn của cả thành phố Hà Nội. Hồ chỉ nên là trung tâm của một phần Hà Nội: lõi nội đô lịch sử. Trong khi quanh thành phố Hà Nội hiện có nhiều không gian công cộng thích hợp hơn cho việc tổ chức các sự kiện đông người. Tại sao lại cứ phải chất tải lên Hồ Gươm?

Sao không ưu tiên bảo vệ không gian Hồ Gươm?

Ở một khía cạnh khác, được biết mới đây Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đang trình UBND thành phố phê duyệt kết quả thực hiện đề án “Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) Hà Nội”.

Đề án được triển khai từ năm 2013 đến hết năm 2015 do Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa thuộc Hội Di sản văn hóa Việt Nam thực hiện ở 30/30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Căn cứ vào kết quả kiểm kê, Sở VH-TT Hà Nội đề xuất 276 di sản cần được ưu tiên bảo vệ, trong đó có 6 di sản được lập hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia.

Đây là tín hiệu mừng cho di sản văn hóa phi vật thể tại Thủ đô. Nhưng những người yêu Hà Nội cũng thắc mắc rằng, tại sao không gian văn hóa Hồ Gươm lại không nằm trong danh mục cần được ưu tiên bảo vệ?

Ngoài giá trị đã được xác lập là di tích quốc gia đặc biệt, thì không gian văn hóa Hồ Gươm trước sức ép của quá trình đô thị hóa, trước thế giằng co giữa bảo tồn và phát triển, hay trước thời khắc của sự lựa chọn giữa cái đẹp và cái tiện lợi- nói như KTS Trần Huy Ánh, thì không gian ấy lại càng cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Nhất là trong vòng hơn chục năm qua, khi ngày càng có nhiều công trình nhà cao tầng, dự án xây dựng đe dọa không gian công cộng ấy…

Mong sao Hà Nội sẽ sớm có những đề án ưu tiên bảo tồn những di tích lịch sử văn hóa- cách mạng, những danh thắng… (di sản văn hóa vật thể) đã làm nên thương hiệu của một Thủ đô linh thiêng, hào hoa. Đặc biệt trong đó có việc sớm hoàn thiện Qui chế quản lý Qui hoạch kiến trúc khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận – mà lẽ ra đã phải được tiến hành và triển khai từ cách đây từ lâu rồi...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên bảo vệ di sản Hồ Gươm