Ngày 25 -8, tại Hà Nội, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho lãnh đạo Mặt trận 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Hội nghị triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết
cho lãnh đạo Mặt trận 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chủ động vào cuộc
"Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội. Số ca mắc bệnh, ổ dịch chưa có dấu hiệu giảm. Bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, các cấp chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể thì việc nhanh chóng dập dịch sốt xuất huyết phụ thuộc nhiều vào chính ý thức của mỗi người dân”. Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội nhấn mạnh tại hội nghị.
Ðến nay, tất cả 584 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy, phòng chống sốt xuất huyết. Tổng cộng có 25.620 đội với 62.362 người tham gia, phụ trách gần 1,8 triệu hộ dân. Sau khi được tập huấn về chuyên môn kỹ thuật, các đội xung kích đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để tuyên truyền và trực tiếp diệt loăng quăng tại hộ gia đình. Cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cấp cơ sở cùng với ngành y tế đã vào cuộc tích cực, bất kể đêm ngày, trong đó tập trung mạnh nhất ở những địa bàn trọng điểm.
Chia sẻ về diễn biến dịch bệnh sốt xuất huyết tại địa phương, ông Phùng Mai Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Ba Vì cho biết: Tính đến ngày 22/8 trên địa bàn huyện Ba Vì đã ghi nhận 242 trường hợp, 6 ổ dịch, phân bố ở 29/31 xã, thị trấn. Ngay sau khi phát hiện có bệnh nhân sốt xuất huyết, Ủy ban MTTQ huyện đã chủ động phối hợp với UBND huyện, phòng Y tế, Trung tâm y tế thực hiện đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức phòng dịch. Đặc biệt, UBND huyện đã thành lập 1.345 đội xung kích, 161 tổ giám sát tại 31/31 xã, thị trấn, thu hút 3.021 người. Ủy ban MTTQ huyện cũng đã cử 2 cán bộ tham gia thành viên đội xung kích phòng chống dịch sốt xuất huyết để tuyên truyền, vận động cũng như nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn. Tính đến nay, 100% số xã, thị trấn trên toàn huyện Ba Vì đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát theo chỉ đạo của UBND thành phố và hướng dẫn của Sở Y tế. Tuy nhiên, ông Long cũng bày tỏ băn khoăn việc một bộ phận người dân còn chủ quan, coi việc diệt bọ gậy là việc làm của ngành y tế và chính quyền địa phương nên việc diệt loăng quăng tại hộ gia đình còn gặp khó khăn khiến cho nguy cơ lây lan dịch bệnh lớn.
Nói về nguy cơ lây lan dịch bệnh tại địa phương, ông Nguyễn Minh Vịnh, Phó Chủ tịch, Ủy ban MTTQ huyện Bắc Từ Liêm cho biết: Hiện nay trên địa bàn quận có 336 trường hợp mắc mắc sốt xuất huyết với 81 ổ dịch, phân bố đều trên 13 phường. Tính đến này 24-8, toàn quận có có 15 ổ dịch đang nằm ở mức báo động. Quận Bắc Từ Liêm có nguy cơ tăng dịch bệnh cao bởi lẽ trên địa bàn quận có nhiều nhà cao tầng đang xây dựng, chưa đưa vào sử dụng. Qua đi kiểm tra, nhiều nhà cao tầng mới xây thô có nhiều hầm chứa nước, bể nước bỏ không, tạo điều kiện thuận lợi cho loăng quăng, bọ gậy phát triển.
Để nâng cao ý thức người dân, Ủy ban MTTQ quận đã tuyên truyền tới từng hộ gia đình, cơ quan, trường học… đồng thời đề nghị người dân kí cam kết phòng chống dịch. Đến nay, toàn quận tỉ lệ cam kết đạt 98%. Trong quá trình đi kiểm tra, giám sát dịch bệnh, MTTQ và các tổ chức thành viên, trưởng ban CTMT, tổ trưởng tổ dân phố đều tham gia tổ giám sát, tổ xung kích. Mỗi một tổ xung kích quản lý từ 30 - 50 hộ. Mỗi tổ dân phố thành lập một tổ xung kích, trong tổ xung kích có đại diện đoàn thành niên, Trưởng ban CTMT hoặc tổ trưởng tổ dân phố.
Được đánh giá là một trong những huyện có tỷ lệ người mắc sốt xuất huyết thấp, ông Nguyễn Văn Hoa, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Anh cho biết: Ngay khi dịch bệnh bùng phát, huyện đã phát 82.877 tờ rơi tuyên truyền về sốt xuất huyết và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại hộ gia đình, treo căng 96 khẩu hiệu, 24/24 xã sử dụng loa tuyên truyền trực tiếp với các hộ xung quanh nơi phát sinh dịch bệnh. Để tiếp tục triển khai dọn vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, bọ gậy, 100% xã, thị trấn thành lập đội xung kích, 239 tổ giám sát đã được thành lập. Qua chiến dịch diệt bọ gậy, đội xung kích đã xử lý được 11.000 ổ bọ gậy, kiểm tra gần 80.000 hộ gia đình, 363 công sở…. Dù số lượng người nhiễm không lớn, nhưng huyện quyết tâm hạn chế ở mức thấp nhất.
Vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây bệnh
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Đức cho rằng, dịch sốt xuất huyết đang có những diễn biến phức tạp trên cả nước, thủ đô Hà Nội cũng là địa phương nằm trong vùng trọng điểm của dịch. Tiến trình, tốc độ lây lan bệnh rất nhanh, rất phức tạp cho thấy tầm quan trọng của công tác phòng chống và dập dịch. Dự báo trong thời gian tới tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hơn do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi sinh sản, thay đổi mật độ dân cư do năm học mới đang đến gần, việc di chuyển, đi lại của người dân thay đổi. Để góp phần dập dịch, hàng tuần Ủy ban MTTQ thành phố sẽ tổ chức hội nghị giao ban với Ủy ban MTTQ 30/30 quận, huyện, thị xã để nắm bắt tình hình, diễn biến dịch bệnh tại các địa phương và tìm các phương án đối phó.
Hiện nay, tại 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố đã thành lập các đội xung kích, các tổ diệt bọ gậy và các tổ giám sát, trong đó Mặt trận và các tổ chức thành viên cũng trực tiếp tham gia. “Mặc dù dịch bệnh sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, cả hệ thống chính trị của thành phố đang dồn sức chống dịch nhưng không ít người vẫn còn tâm lý chủ quan, chưa thật sự ý thức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho nên công tác tuyên truyền, vận động vẫn phải tiếp tục. Nhiệm vụ tuyên truyền, vận động thuộc về Mặt trận và các tổ chức thành viên”, ông Đức nói.
Vừa qua, Ủy ban MTTQ thành phố đã gửi văn bản chỉ đạo tới Ủy ban MTTQ các quận, huyện và các tổ chức thành viên chủ động phòng chống dịch bệnh. “Trong điều kiện nước sôi nửa bỏng như thế này, hệ thống Mặt trận phải làm tốt chức năng tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức nhân dân về tầm quan trọng cũng như mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, đồng thời vận động nhân dân chấp hành các biện pháp, tạo điều kiện để các tổ xung kích, tổ giám sát diệt loăng quăng, bọ gậy tại hộ gia đình. Ngoài tích cực tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh, các xã, phường, thị trấn sẽ tiếp tục phát tờ rơi, tờ gấp để công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ tiếp tuc được triển khai tới từng gia đình”, ông Đức khẳng định.