Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã quyết định phê duyệt đề nghị của Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về kế hoạch hoãn LS V.League đến tháng 2/2022. Quyết định này đã khiến nhiều câu lạc bộ ở V.League không hài lòng…
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương trong cả nước, V.League phải tạm dừng vòng 12 từ đầu tháng 5 năm 2021. Sau hơn 2 tháng phải tạm dừng, tình hình dịch bệnh vẫn ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt là nhiều khu vực như Hà Nội, TP HCM… VPF đã phải điều chỉnh lịch thi đấu và gửi văn bản báo cáo, đề xuất VFF xem xét dự kiến phương án, kế hoạch tiếp tục tổ chức các Giải Bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2021.
Việc lùi V.League và Cúp Quốc gia 2021 xuất phát từ việc lực lượng của Đội tuyển Quốc gia đều thuộc các đội bóng ở V.League. Thời gian tới, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu ở vòng loại thứ ba World Cup 2022. Thầy trò huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ thi đấu 6 trận trong các tháng 9, 10 và 11/2021 với mật độ mỗi tháng 2 trận. Tại thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định cách ly y tế đối với công dân Việt Nam, và người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam. Với thời gian cách ly, tự theo dõi kéo dài nhiều ngày, cộng với khoảng thời gian chuẩn bị cho mỗi loạt trận của đội tuyển Việt Nam thì quỹ thời gian dành cho V.League 2021 là gần như không có.
Trong khi đó, AFF Suzuki Cup 2020 dự kiến diễn ra trọn tháng 12 tới. Khi không còn sự lựa chọn nào khác, VPF buộc phải lùi V.League 2021 đến tháng 2/2022.
Thực tế, việc V.League trở lại và kết thúc trong năm 2021 là khó khả thi, bởi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, trong khi lịch thi đấu của U23 và tuyển Việt Nam gần như kín. “Việc lùi V-League là bất khả kháng, VPF đã có sự tính toán mang tính dài hơi hơn để các đội bóng có sự chuẩn bị cũng như tạo điều kiện cho tuyển Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế”- ông Nguyễn Minh Ngọc (Tổng Giám đốc VPF) cho biết.
VPF có cái lý để lùi V-League sang năm 2022, nhưng phần lớn các đội bóng đều không tán thành. Việc giải đấu tiếp tục hoãn tới 7 tháng tác động trực tiếp đến kế hoạch tập luyện và đặc biệt là vấn đề tài chính của các câu lạc bộ. Nhiều lãnh đạo câu lạc bộ cho biết việc V.League lùi lịch thi đấu sẽ gây ra rất nhiều khó khăn cho các câu lạc bộ, cả vấn đề chuyên môn, kinh phí hoạt động cũng như câu chuyện hợp đồng với cầu thủ và tài trợ của đội bóng.
Tính từ thời điểm tháng 5 khi V-League tạm hoãn cho đến tháng 2 năm sau, các đội phải tiếp tục nuôi quân, chờ đợi tới 10 tháng. Chờ đợi, tốn kém, phát sinh nhưng chưa thể biết trước và cũng không ai có thể khẳng định chắc chắn rằng đến tháng 2 năm 2022 liệu có thể tiếp tục giải đấu được hay không?
Việc giải đấu nghỉ thêm 6 tháng nhưng nghĩa vụ đúng theo hợp đồng thì phía câu lạc bộ vẫn phải thực hiện đầy đủ cho cầu thủ. Ngoài ra có những hợp đồng đến thời điểm ngày 31/10/2021 sẽ kết thúc thì câu lạc bộ cũng rất khó cho việc thương thảo để ký tiếp hay thế nào. Theo tính toán của nhiều người, mỗi câu lạc bộ ở V-League một năm tốn ít nhất 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, một trong những bài toán khó giải nhất với các đội bóng V.League lúc này chính là giải quyết hợp đồng với các cầu thủ ngoại. Nếu với các cầu thủ nội, những khó khăn có thể được hai bên giải quyết trên cơ sở đồng cảm vì cái chung thì mối quan hệ với ngoại binh luôn phải chặt chẽ, rõ ràng. Khi các ngoại binh nhận giấy thanh lý hợp đồng, đồng nghĩa với các câu lạc bộ không dễ muốn là có được sự phục vụ của họ khi V.League có thể trở lại.