Sau 10 năm thi hành Luật Xuất bản, lĩnh vực xuất bản phẩm đã có những bước phát triển mới và đang ngày càng hội nhập quốc tế mạnh mẽ. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đang nảy sinh những bất cập từ thực tiễn cần được nghiên cứu, tháo gỡ.
Nút thắt sách điện tử
Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành, hiện nay toàn quốc có 550 doanh nghiệp hoạt động phát hành đăng ký theo quy định của pháp luật về xuất bản. Bên cạnh đó, có khoảng 50 doanh nghiệp phát hành tham gia trực tiếp vào liên kết với các nhà xuất bản để thực hiện xuất bản từ khâu tổ chức bản thảo, biên tập sơ bộ, in, phát hành. Đặc biệt, hiện nay có 10 doanh nghiệp đăng ký hoạt động phát hành xuất bản phẩm điện tử đã được Cục Xuất bản, In và Phát hành xác nhận. Bên cạnh đó, có 11 nhà xuất bản đã được cấp chức năng xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử.
Có thể nói, sau những giai đoạn khởi đầu đầy khó khăn, ngành xuất bản đang có những bước phát triển mới và thực hiện đúng các cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc tham gia.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được sau 10 năm thi hành Luật Xuất bản, lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm cũng đã và đang đặt ra những vấn đề bất cập, khó khăn phát sinh từ thực tiễn cần phải nghiên cứu, tháo gỡ. Đơn cử như lĩnh vực sách điện tử, mỗi năm, ngành xuất bản cho ra mắt đến khoảng 30.000 tựa sách. Thế nhưng số lượng các NXB có thể cấp phép xuất bản phẩm điện tử cho các xuất bản phẩm mang nội dung phổ thông, tổng hợp chưa đến 10 đơn vị. Vì thế, số lượng sách cần thẩm định nội dung bị dồn vào cho những đơn vị này là rất nhiều, trong bối cảnh đây là một sản phẩm mới cũng khiến cho cả doanh nghiệp và Nhà xuất bản rất bối rối. Trong nhiều trường hợp còn ảnh hưởng đến tiến độ phát hành xuất bản phẩm sao cho đúng mong đợi với các đối tác bản quyền như các tác giả hay NXB nước ngoài luôn mong mỏi sản phẩm của mình sớm được ra mắt.
Giám đốc NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hà bày tỏ, dù muốn làm sách điện tử, song nhìn vào bức tranh xuất bản điện tử hiện nay, đơn vị không muốn làm nữa. Bởi với quy định pháp luật như hiện nay, rất khó để làm sách điện tử. Chức năng xuất bản điện tử mặc định là chức năng của NXB, không cần phải xin giấy phép gì thêm. Vấn đề ở đây là luật chưa phù hợp với thực tế. Luật đã vô tình trói xuất bản, in, phát hành vào nhau, dẫn đến… thất bại. Ngoài ra ông Hà cũng cho rằng, hiện nay vấn đề bản quyền tác phẩm ở Việt Nam còn rất thấp. Dẫn chứng nhiều tác giả còn chưa phân định được đúng, sai về vấn nạn bản quyền. Khi thấy sách của mình trôi nổi trên mạng dưới dạng ebook, audio book lậu thì thay vì bức xúc, một số tác giả lại vui mừng cho rằng nhờ thế tác phẩm được nhiều người biết đến.
Dẹp loạn sách lậu
Với sự phát triển và hội nhập của xã hội, không thể phủ nhận sau một thời gian thực thi các quy định trong Luật Xuất bản đang nảy sinh những bất cập không chỉ riêng gì vấn đế sách điện tử. Đơn cử như hiện nay, ngành xuất bản đang theo xu hướng số hóa xuất bản phẩm nhưng trong Luật Xuất bản chưa có quy định cụ thể chi tiết để giúp người sử dụng nhận thức được vấn đề tôn trọng bản quyền như đã quy định cho sách giấy.
Mới đây, Giám đốc Công ty TNHH Văn hóa sáng tạo Trí Việt Nguyễn Văn Phước đã gửi đơn tới cơ quan chức năng, đề nghị xử lý tình trạng in sách giả tràn lan trên Facebook. Kèm đơn đề nghị, đại diện First News - Trí Việt cũng đưa danh sách 40 fanpage nghi vấn bán sách giả trên mạng xã hội Facebook. Chia sẻ với báo chí, ông Phước cho biết, hàng trăm trang Facebook đang chạy quảng cáo phát hành sách giả kém chất lượng, nhiều bạn đọc đã trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo này. Ông Phước nhận định hành vi này là trái pháp luật và sự lộng hành của chúng trên mạng xã hội đang “giết chết” sách thật của các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành. Các bên sản xuất trái phép này bán sách ra thị trường với mức giá chỉ bằng nửa giá sách thật, có khi còn rẻ hơn, trong khi chất lượng sách kém xa so với sách phát hành chính thống. “Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh mà còn tới hình ảnh và uy tín của các công ty sách”, ông Phước nói.
Với những bất cập đang hiện hữu, theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, nhiều NXB hiện nay tỏ ra lúng túng, muốn giữ “trận địa” sách in. “Tôi cho rằng, sách in phải giữ nhưng nếu không hướng đến xuất bản điện tử, không sớm thì muộn, có muốn giữ cũng không được. Xuất bản điện tử là thị trường mới, phải có một hướng đi mới. Nếu không mạnh dạn bước vào sân chơi này, chúng ta sẽ thua trên sân nhà. Rồi đây các đơn vị khác từ nước ngoài vào, thậm chí các tác giả Việt Nam, sẽ in sách ở nước ngoài và bán cho độc giả Việt Nam, chúng ta dùng cách gì để khống chế?”- ông Nguyên nói.
Về vấn đề bản quyền sách, vẫn theo ông Nguyên, không chỉ ở Việt Nam mà đây là vấn nạn chung của nhiều quốc gia trên thế giới. Để có biện pháp bảo vệ bản quyền tốt hơn, trong đề án sắp tới, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ thành lập Trung tâm Bảo vệ bản quyền sách với 2 chức năng chính: hỗ trợ các đơn vị, tư vấn về thương thảo bản quyền. Trung tâm sẽ là đầu mối không chỉ về bản quyền giữa các đơn vị xuất bản mà còn là đầu mối giữa các trung tâm khác như Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam… Đồng thời hỗ trợ tư vấn, kết nối mua bản quyền với các NXB, đơn vị của nước ngoài.